Triển vọng mở rộng CPTPP

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang có cơ hội trở thành “sân chơi” rộng lớn hơn, khi Chính phủ Anh vừa cho biết họ sẽ chính thức nộp đơn xin gia nhập vào đầu năm tới.

Nguồn: GLOBAL TIMES
Nguồn: GLOBAL TIMES

Phát biểu ý kiến trước Quốc hội, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss nhận định rằng, hiệp định này sẽ giúp các công ty xuất khẩu của Anh tiếp cận thị trường Thái Bình Dương đang tăng trưởng nhanh. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại giữa Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) về việc Anh rời “mái nhà chung” châu Âu, còn gọi là Brexit, vẫn đi vào “ngõ cụt”, London hy vọng, việc gia nhập CPTPP giúp họ tăng cường quan hệ kinh tế với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và mở rộng thương mại ngoài châu Âu trong thời kỳ hậu Brexit. Ở chiều ngược lại, việc Anh tham gia CPTPP sẽ giúp tăng cường ảnh hưởng vị thế cho CPTPP.

Tuy nhiên, không chỉ nước Anh, nhiều nền kinh tế khác cũng đang cân nhắc tham gia CPTPP. Đài Sputnik của Nga mới đây cho biết có thông tin về việc Bắc Kinh đang xem xét khả năng tham gia CPTPP. Thái-lan cũng là một “ứng cử viên” chuẩn bị bước vào “sân chơi” CPTPP. 

Tháng 6 vừa qua, Hạ viện nước này đã thành lập một ủy ban đặc biệt để nghiên cứu về các chi phí và lợi ích của CPTPP. Ủy ban hỗn hợp thường trực về thương mại, công nghiệp và ngân hàng (JSCCIB) của Thái-lan đã kêu gọi chính phủ tham gia hiệp định thương mại tự do này vào năm 2021.

Các quốc gia nói trên quan tâm gia nhập CPTPP trong bối cảnh các nền kinh tế đang xuống dốc nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại. Trong khi đó, CPTPP đang được xem là “sân chơi” quan trọng duy trì thương mại đa phương tự do, cởi mở và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đánh giá về cơ hội phục hồi kinh tế Đông - Nam Á, tờ The Business Times mới đây nhận định, yếu tố then chốt nằm trong các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP.

Vào thời điểm chủ nghĩa bảo hộ và những “cơn gió ngược” kinh tế gia tăng như hiện nay, CPTPP đang hứa hẹn mở ra cánh cửa cho một kỷ nguyên mới hội nhập và chắc chắn về thương mại - đầu tư giữa các quốc gia. Đây là lý do khiến “ngôi nhà chung” này có triển vọng được mở rộng.