Trách nhiệm chia sẻ

Tại kỳ họp hằng năm đang diễn ra theo hình thức trực tuyến, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cùng kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhiều hơn để xử lý thách thức do tác động của dịch Covid-19. 

Nguồn: GETTY IMAGES
Nguồn: GETTY IMAGES

Trong báo cáo tại kỳ họp, WB nêu rõ, tổng nợ của 73 quốc gia nghèo nhất thế giới năm 2019 tăng thêm 9,5% so năm trước đó, lên mức 744 tỷ USD. Trong đó, 178 tỷ USD từ các chủ nợ chính phủ, chủ yếu là những thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất, chiếm tới 63% tổng số nợ của các nước nghèo.

Như vậy, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, những quốc gia nghèo nhất thế giới đã phải gồng gánh những khoản nợ lớn. Những biện pháp hạn chế để phòng dịch lại kéo theo nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhiều nước đóng cửa biên giới, giao thương đình trệ..., càng khiến các nền kinh tế nghèo thêm khó khăn chồng chất và cận kề khủng hoảng nợ công.

Hồi tháng 4, G20 và Câu lạc bộ Paris đã nhất trí về Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) cho 73 nước nghèo, với tổng giá trị nợ từ 8 đến 11 tỷ USD, nhằm giúp các nước này dành nguồn lực phục vụ chi phí cho y tế, an sinh xã hội và phát triển kinh tế, trong nỗ lực ứng phó và phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, đến nay mới có 43 quốc gia được giãn nợ, với tổng trị giá 5 tỷ USD. 

Theo WB, việc thực hiện cam kết giãn nợ cho các nước nghèo vẫn trì trệ và không đồng đều, mới chỉ có các chính phủ chủ nợ tham gia DSSI. WB thậm chí cảnh báo về tình trạng thiếu minh bạch trong các điều khoản giãn nợ, chẳng hạn một số chủ nợ đồng ý giãn nợ gốc, song vẫn tiếp tục thu lãi, điều này chỉ làm tăng thêm gánh nặng, chứ chẳng phải hình thức hỗ trợ. IMF cũng cho rằng, đã đến lúc các ngân hàng phát triển và các chủ nợ tư nhân nhập cuộc, đưa ra các phương án “giải cứu nợ”, hỗ trợ các nước nghèo chống chọi tác động của đại dịch hiện nay. 

Hầu như không có nền kinh tế nào tránh được tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19. Những quốc gia nghèo vốn đã khốn khó, lại càng điêu đứng hơn trong đại dịch. Các định chế tài chính, tiền tệ quốc tế kêu gọi các nước giàu hơn thể hiện trách nhiệm chia sẻ, giới đầu tư sẵn sàng cứu trợ, không chỉ giãn hay giảm, mà cả xóa nợ.