Sức ép ngược

Chính phủ Iran hôm 4-1 tuyên bố chính thức nối lại hoạt động sản xuất urani được làm giàu với độ tinh khiết 20%. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng xác nhận, Iran đã khởi động đưa urani được làm giàu mức 4,1% vào các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow, để nâng độ làm giàu lên 20%.

Biếm họa của SHADI GHANIM
Biếm họa của SHADI GHANIM

Lập tức, Liên hiệp châu Âu (EU) cảnh báo, tăng cấp độ làm giàu urani lên 20% làm chệch hướng cam kết của chính Iran. Mỹ gọi bước đi của Tehran là “tống tiền hạt nhân”, trong khi Israel cho đây là ý đồ phát triển vũ khí hạt nhân. Không “bi kịch hóa” vấn đề, vì cho rằng chương trình hạt nhân Iran vẫn có thể kiểm chứng, Nga cũng chỉ trích đây là quyết định đáng tiếc...

Dư luận sôi sục lo ngại là điều dễ hiểu, bởi urani làm giàu mức 20% là thành tựu cao nhất Iran từng đạt được trước thời điểm cùng các cường quốc nhóm P5+1 ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Đây cũng là độ làm giàu cao hơn rất nhiều so mức 3,67% theo cam kết trong JCPOA. 

Iran và Mỹ lại đang trong giai đoạn cao trào căng thẳng, vốn gia tăng từ năm 2018, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump rút lại các cam kết với JCPOA và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran nhằm buộc Tehran đàm phán lại. Đáp lại, Iran cắt giảm một số cam kết theo thỏa thuận và tăng dần mức làm giàu urani. 

Quyết định nâng cấp độ làm giàu urani được Iran công bố vào thời điểm Tehran chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống và Mỹ cũng tiến tới chính thức xác nhận nhà lãnh đạo mới. Trong kỳ bầu cử tại Iran lần này, ứng cử viên hàng đầu thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC), vốn có quan điểm cứng rắn với Mỹ. Việc nhượng bộ Mỹ về đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân là điều bất khả thi. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden từng tuyên bố sẽ đưa Mỹ trở lại JCPOA, các cố vấn của ông sẽ tái thiết lập các kênh ngoại giao nhằm cứu bản thỏa thuận ký năm 2015.

Trong cuộc đối đầu về vấn đề hạt nhân, Mỹ luôn áp dụng chính sách gây sức ép tối đa với Iran. Xem ra lần này, áp lực đã đảo chiều, Tehran đang gây sức ép ngược lại với nhà lãnh đạo sắp tới tại Nhà trắng nhằm thực hiện lời hứa đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm.