“Phần thưởng” khó nhằn

Nước Anh vừa chính thức rời khỏi “mái nhà chung châu Âu” sau hạn chót ngày 31-1 vừa qua. Trước và trong thời khắc lịch sử này, giới chức Anh từng nhấn mạnh việc Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, sẽ giúp “xứ sở sương mù” có được một “phần thưởng” xứng đáng là thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Biếm họa của SATOSHI KAMBAYASHI
Biếm họa của SATOSHI KAMBAYASHI

Giới phân tích cũng như lãnh đạo Anh, Mỹ từng nhiều lần khẳng định rằng hiệp định nói trên, nếu được ký sau khi Brexit chính thức diễn ra, sẽ trở thành “đòn bẩy” quan trọng cho kinh tế Anh. Còn nhớ, trong chuyến thăm Anh vào mùa hè năm ngoái, “ông chủ” Nhà trắng Donald Trump tuyên bố một thỏa thuận thương mại thực chất có thể giúp tăng nhiều lần kim ngạch thương mại hiện tại giữa Anh và Mỹ. Các quan chức Anh dù đưa ra đánh giá thận trọng hơn, nhưng cũng cho rằng thỏa thuận thương mại với Mỹ về lâu dài có thể giúp kinh tế Anh tăng trưởng thêm khoảng 0,2%. Giới chức hai bên cũng rất lạc quan về khả năng Anh và Mỹ sớm ký được thỏa thuận thương mại song phương. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã hứa hẹn với Thủ tướng Anh Boris Johnson về một thỏa thuận “hoành tráng” ký vào tháng 9 năm nay...

Tuy nhiên, bất chấp sự lạc quan của các nhà lãnh đạo hai nước, giới phân tích cho rằng, một thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương giữa London và Washington còn đối mặt nhiều trắc trở. Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, Tổng thống Trump có thể sẽ thể hiện là một nhà đàm phán cứng rắn. Các bên sẽ phải đối mặt những cuộc thảo luận khó khăn về các vấn đề gây tranh cãi như nông nghiệp, các tiêu chuẩn môi trường, giá cả dược phẩm... Trên thực tế, “mây đen” đã phủ bóng lên triển vọng cuộc đàm phán thương mại nêu trên khi trong những tuần gần đây, Mỹ đe dọa đánh thuế với các nhà sản xuất ô-tô của Anh nếu chính phủ của ông Johnson áp dụng một loại thuế mới đối với các công ty công nghệ của Mỹ như Apple, Amazon, Facebook. Quan hệ Mỹ - Anh cũng đã căng thẳng khi Washington “bóng gió” rằng việc London chấp nhận cho hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc giúp triển khai mạng 5G sẽ phá hủy một thỏa thuận thương mại trong tương lai giữa Anh và Mỹ…

Với những động thái nêu trên, xem ra ngay cả khi Brexit đã chính thức có hiệu lực, nước Anh cũng không dễ gì đạt được “phần thưởng” mà họ từng kỳ vọng, đó là một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ.