Nước đến chân mới nhảy

Trước tình trạng chặt phá rừng tại rừng rậm nhiệt đới Amazon ở Brazil tăng lên mức kỷ lục, chính phủ nước này đã quyết định cho phép lực lượng an ninh quốc gia tham gia bảo vệ “lá phổi xanh” của thế giới.

Biếm họa của GATIS SLUKA
Biếm họa của GATIS SLUKA

Theo Công báo của Chính phủ Brazil ngày 10-2, Bộ Tư pháp nước này đã thông qua quyết định huy động lực lượng an ninh, trong đó có cảnh sát đặc nhiệm, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng Amazon dưới sự chỉ đạo của Cơ quan Bảo vệ môi trường Ibama ở bang Para.

Quyết định trên được công bố sau khi số liệu của Viện Nghiên cứu không gian quốc gia của Brazil vừa công bố cho thấy, trong tháng 1 vừa qua, tình trạng chặt phá rừng tại Amazon đã cao gấp đôi so cùng kỳ năm trước, với 280 km² rừng bị phát quang, tăng tới 108%. Trước đó, số liệu năm 2019 ghi nhận mức độ tàn phá đã lên mức cao nhất trong 11 năm qua. Trong khi đó, Ibama đang thiếu cả phương tiện, nhân lực lẫn tài chính để triển khai công tác bảo vệ những cánh rừng già ở quốc gia Nam Mỹ này. Ibama từng phàn nàn về việc thiếu sự hỗ trợ của cảnh sát trong công tác bảo vệ rừng Amazon, khiến tình trạng chặt phá rừng trái phép ngày càng gia tăng không thể kiểm soát.

Được xem là “lá phổi xanh” của thế giới, rừng Amazon có vai trò quan trọng trong quá trình hấp thu lượng lớn khí thải CO2, góp phần làm chậm lại tốc độ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nạn chặt phá rừng do nông dân khai phá đất đai để trồng các cây hoa màu và nạn khai thác gỗ trái phép liên tục gia tăng, cùng thảm họa cháy rừng năm 2019, đã gióng lên hồi chuông báo động về tình hình cấp bách bảo vệ khu rừng này.

Rừng Amazon có diện tích gần 7,6 triệu km², trải dài qua Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp. Các nhà khoa học cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại rằng, các vụ cháy và nạn chặt phá rừng Amazon sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu hiện nay và đe dọa đến đa dạng sinh học.

Trong bối cảnh đó, nỗ lực mới nhất của Chính phủ Brazil nhằm bảo vệ rừng Amazon là đáng hoan nghênh, song không ít chuyên gia cho rằng đây là động thái “nước đến chân mới nhảy”, bởi việc bảo vệ rừng Amazon cần được thực hiện rốt ráo từ lâu và chờ đến khi nạn phá rừng lên mức cao kỷ lục như hiện nay thì sẽ rất khó đối phó.