Lực bất tòng tâm

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) vừa cam kết hành động để hỗ trợ thị trường “vàng đen” trong bối cảnh triển vọng thị trường dầu mỏ ảm đạm.

Biếm họa của RODRIGO
Biếm họa của RODRIGO

Nhằm trấn an trước những lo ngại về cam kết giảm sản lượng của OPEC+, trong phát biểu khai mạc cuộc họp định kỳ của Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng OPEC+ (JMMC), Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Abdulaziz bin Salman khẳng định OPEC+ sẽ “không né tránh trách nhiệm” hỗ trợ thị trường. Cũng tại cuộc họp nói trên, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, OPEC+ sẽ thảo luận kỹ hơn về việc một số quốc gia thành viên chưa tuân thủ đầy đủ mục tiêu cắt giảm sản lượng. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman đã tái khẳng định mong muốn tiếp tục phối hợp hành động chặt chẽ trong lĩnh vực dầu mỏ nhằm duy trì sự ổn định trên thị trường năng lượng toàn cầu. 

Thực tế nêu trên cho thấy, trước triển vọng ảm đạm của thị trường dầu mỏ, các nước xuất khẩu dầu chủ chốt đang nỗ lực để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, giới phân tích quan ngại rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới chìm trong dịch bệnh khiến nhu cầu dầu giảm, nhiều nước xuất khẩu dầu đang gặp khó khăn và chủ nghĩa dân tộc đang “lên ngôi” như hiện nay, việc bình ổn giá dầu của OPEC+ là bài toán vô cùng nan giải. Các chuyên gia cảnh báo, việc nhiều nền kinh tế vốn phụ thuộc dầu mỏ lâm cảnh khó khăn như hiện nay buộc họ phải “xé rào” điều chỉnh hạn ngạch xuất khẩu dầu. 

Một yếu tố bất lợi nữa là dầu khí đá phiến của Mỹ cũng là một nhân tố có thể “cản bước” nỗ lực giảm sản lượng, tăng giá dầu của OPEC+, vì các công ty năng lượng của Mỹ cũng không có trách nhiệm phải tuân thủ quy định cắt giảm sản lượng của OPEC+, do đó các công ty dầu đá phiến rất có thể sẽ làm phá sản kế hoạch giảm sản lượng của liên minh dầu mỏ nói trên. Bên cạnh đó, việc thị trường “vàng đen” toàn cầu có thể phục hồi chậm hơn cũng là một thách thức. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) mới đây cho biết, kinh tế phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19 có thể đẩy lùi thời điểm nhu cầu năng lượng thế giới phục hồi hoàn toàn đến năm 2025. 

Các yếu tố bất lợi như trên đang khiến việc bình ổn giá dầu của OPEC+ vô cùng khó khăn và dù nỗ lực, có thể liên minh này vẫn “lực bất tòng tâm” trong việc hỗ trợ giá dầu.