Lời qua, tiếng lại

Câu chuyện khúc mắc giữa Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) và Nga lại rộ lên những ngày qua. Lần này, không chỉ là “lời qua, tiếng lại” giữa Moscow với các cường quốc kinh tế phương Tây, mà chính nội bộ câu lạc bộ nước giàu này.

Biếm họa của PODVITSKI
Biếm họa của PODVITSKI

Hồi đầu tuần, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố, thời điểm này, Tổng thống Nga Vladimir Putin không có bất kỳ động thái chuẩn bị nào để đưa Nga trở lại tham gia G7. Ông Peskov nêu rõ, Moscow hoàn toàn hài lòng về “định dạng G20” - nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó có Nga. Với sự góp mặt đầy đủ đại diện các trung tâm kinh tế của thế giới, G20 hiện là cơ chế hiệu quả nhất để giải quyết các vấn đề kinh tế hiện đại và các thách thức toàn cầu. Còn G7 chỉ đơn thuần thảo luận vấn đề kinh tế, chứ để giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu trong bối cảnh quốc tế hiện nay thì chưa chắc chắn!

Tuyên bố từ Điện Kremlin phát đi ngay sau khi truyền thông Đức dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao nước này Heiko Maas nói rằng, Berlin không nhận thấy cơ hội nào để Nga quay lại G7. Moscow chỉ có thể trở lại sinh hoạt trong câu lạc bộ các cường quốc phương Tây nếu giải quyết được vấn đề bán đảo Crimea và đóng góp giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.

Bình luận nêu trên của Bộ trưởng Ngoại giao Đức có thể xem như lời chính thức bác bỏ đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump, mời Nga và một số nước tham gia G7 nhằm “làm mới” tổ chức mà lãnh đạo Nhà trắng cho là “đã lỗi thời”. 

G7 được thành lập năm 1975, với bảy thành viên có nền kinh tế và ngành công nghiệp phát triển nhất thế giới khi đó. Năm 1998, G7 kết nạp Nga và trở thành G8, song năm 2014 lại trở về định dạng ban đầu sau khi Nga rời đi, liên quan khủng hoảng tại Ukraine và bán đảo Crimea sáp nhập lãnh thổ Nga.

Gần đây, Mỹ liên tiếp nhắc đến khả năng mời Nga trở lại, cho rằng nhiều vấn đề quốc tế khó lòng được giải quyết nếu thiếu Moscow. Ý tưởng của Mỹ được Italia ủng hộ, song bị Canada và Đức bác bỏ. Tuy nhiên, Đức cũng thừa nhận vai trò của Nga, nhất là trong nỗ lực giải quyết các cuộc xung đột ở Syria, Libya và Ukraine.

Nội bộ G7 vẫn lục đục về cải cách tổ chức. Đối tác Nga cũng chẳng mặn mà. Thế nên, việc “lời qua, tiếng lại” giữa các bên chắc còn tiếp diễn dài dài!