Lợi bất cập hại

Các cuộc đàm phán giữa Ai Cập, Sudan và Ethiopia về vấn đề đập thủy điện Đại Phục Hưng (GERD) vẫn đang gây tranh cãi gay gắt, do các bên không thể đi đến một thỏa thuận về vấn đề tích nước và vận hành con đập này.

Biếm họa của EMAD HAJJAJ
Biếm họa của EMAD HAJJAJ

Ngày 21-6 vừa qua, Sudan đã lên tiếng cảnh báo về căng thẳng leo thang đồng thời hối thúc tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán với Ai Cập và Ethiopia về vấn đề GERD. Cùng chung lo ngại với Sudan, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi cho biết, nước này cam kết sử dụng kênh ngoại giao để giải quyết bất đồng với Ethiopia về dự án đập thủy điện Đại Phục Hưng trên sông Nile. Trước đó, Ethiopia đã thông báo kế hoạch bắt đầu tích nước cho GERD vào tháng tới bất chấp việc có đạt được thỏa thuận hay không.

Cuộc đàm phán mới nhất giữa Ai Cập, Sudan và Ethiopia về dự án đập thủy điện Đại Phục Hưng đã bị đình trệ hôm 17-6 vừa qua. Theo Bộ Ngoại giao Ai Cập, cuộc đàm phán ba bên đã rơi vào bế tắc do “những quan điểm không tích cực” của Ethiopia và “sự cương quyết” của Addis Ababa “về đơn phương xúc tiến quá trình tích nước cho con đập”. Sau đó, Ai Cập đã kêu gọi LHQ can thiệp vào bất đồng sâu sắc giữa nước này với Ethiopia.

Mâu thuẫn về việc vận hành đập thủy điện Đại Phục Hưng là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Ai Cập, Sudan và Ethiopia. Cairo lo ngại rằng con đập này sẽ làm hạn chế nguồn nước sông Nile, vốn đã ngày càng trở nên khan hiếm. Sông Nile hiện đáp ứng tới gần 97% nhu cầu về nước của Ai Cập. Tuy nhiên, phía Addis Ababa phủ nhận con đập sẽ làm giảm khả năng tiếp cận nguồn nước sông Nile của Ai Cập, đồng thời khẳng định dự án mà họ đang theo đuổi là rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế.

Đập thủy điện Đại Phục Hưng dự kiến sản xuất hơn 6.000 MW điện, đưa Ethiopia tiến tới mục tiêu trở thành quốc gia xuất khẩu điện năng lớn nhất châu Phi. Song, tham vọng này của Addis Ababa vô hình trung đang đẩy mối quan hệ với Cairo và Khartoum tới bờ vực đổ vỡ. Giới quan sát lo ngại rằng, nếu chính quyền Ethiopia vẫn cương quyết tích nước cho GERD thì không loại trừ khả năng căng thẳng leo thang thành xung đột quân sự.

Xem ra, Ethiopia có thể được lợi từ dự án tích nước cho GERD, song sẽ là “lợi bất cập hại” nếu tính đến những hậu quả mà động thái này đem lại.