Leo thang & xuống dốc

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục gia tăng trong những ngày gần đây và tỷ lệ nghịch với tình hình nêu trên là tình cảnh “xuống dốc không phanh” của kinh tế Iran.

Biếm họa của SHADI GHANIM
Biếm họa của SHADI GHANIM

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong cuộc gặp vừa qua với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem cho biết, Washington sẽ thực hiện “chiến dịch gây sức ép tối đa” với Tehran, bao gồm cả việc áp đặt và tăng cường các biện pháp trừng phạt. Trước đó, Mỹ đã nhiều lần “làm khó” Iran bằng các lệnh trừng phạt không chỉ trong lĩnh vực kinh tế. Hãng Thông tấn Nhà nước Iran (IRNA) đưa tin, Bộ trưởng Kinh tế & Tài chính Iran Farhad Dejpasand đã hủy chuyến đi đến Washington tham dự các cuộc họp hằng năm gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Lý do phía Tehran có động thái như trên là vì Mỹ từ chối cấp thị thực cho các thành viên trong phái đoàn Iran. Trong thư gửi tới Chủ tịch WB, ông Dejpasand đã tố cáo Mỹ “vô cớ dựng rào cản trên đường đi của phái đoàn Iran”.

Tuy nhiên, “nạn nhân” lớn nhất bởi các lệnh trừng phạt của Washington với Tehran là ngành dầu mỏ. Ngành kinh tế “xương sống” của quốc gia Hồi giáo này liên tiếp đối mặt khó khăn khi các lệnh trừng phạt của Mỹ ngăn cản hoạt động hợp tác, sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ tại Iran. Mới đây nhất, Mỹ đã đề nghị các chính phủ nước ngoài trình báo cáo chi tiết hoạt động xuất khẩu của Iran. Bộ Tài chính Mỹ cũng đã liệt Iran vào “danh sách đen” về rửa tiền, đồng nghĩa với việc cấm mọi giao dịch của Mỹ với các ngân hàng Iran, ngoài ra còn phủ bóng lên những nỗ lực của châu Âu trong hợp tác thương mại với Iran. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran không ngừng “xuống dốc” và sức ép trừng phạt của Mỹ gia tăng như trên, kinh tế Iran ngày càng suy giảm và đối mặt nhiều khó khăn.

Quan hệ Mỹ - Iran “đi vào ngõ cụt” kể từ tháng 5-2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và tái áp đặt trừng phạt Iran. Thời gian qua, các nước châu Âu đã tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân nói trên. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran ngày càng căng thẳng như trên, xem ra EU đang đứng trước một “nhiệm vụ bất khả thi”.