Kiến bò miệng chén

Trong một tuyên bố vào đầu tuần này, người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, London đồng ý trả tiền cho Liên hiệp châu Âu (EU) để có được các thỏa thuận đàm phán thương mại và việc Anh rời khối này, còn gọi là Brexit, song bác bỏ con số 40 tỷ euro truyền thông Anh đưa ra.

Biếm họa của PARESH NATH
Biếm họa của PARESH NATH

Trước đó, báo The Sunday Telegraph ra ngày 6-8 dẫn nguồn tin từ Chính phủ Anh tiết lộ thông tin nước này sẵn sàng chi 40 tỷ euro (tương đương 47,1 tỷ USD) cho EU để thanh toán phí tổn Brexit. Báo này cho biết, đây là lần đầu Anh công bố con số cụ thể trên hóa đơn chi trả cho EU; dự kiến, giới chức Anh đưa ra đề xuất về giai đoạn chuyển tiếp, trong đó, mỗi năm Anh trả cho EU khoảng 10 tỷ euro cho đến sau khi Anh rời “ngôi nhà chung châu Âu” vào tháng 3-2019…

Từ tháng 2, Thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt điều khoản 50 trong Hiệp ước Lisbon bắt đầu thời kỳ hai năm đàm phán về Brexit. Vòng đầu đàm phán Brexit khởi động vào ngày 19-6 với việc EU và Anh thảo luận các vấn đề ưu tiên, lịch trình và cách thức tổ chức. Tại vòng đàm phán thứ hai tháng 7 vừa qua, EU yêu cầu Anh thanh toán các khoản tài chính nước này cam kết đóng góp ngân sách EU khi còn là thành viên, ước tính từ 60 đến 100 tỷ euro. Cả Anh và EU đều không đạt thỏa thuận do lập trường còn nhiều khác biệt.

Trong bối cảnh Anh và EU bước vào vòng đàm phán thứ ba vào cuối tháng 8 này, thông tin do The Sunday Telegraph quả là tin tốt lành. Bởi, nếu đúng như vậy, dù các bên tham gia đàm phán còn nhiều bất đồng, việc xác lập một con số trên hóa đơn Brexit cho thấy nỗ lực xích lại gần nhau của Anh và cả EU.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, Văn phòng Thủ tướng Anh khẳng định số tiền 40 tỷ euro mà tờ The Sunday Telegraph nêu lên là “tin đồn không chính xác”. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, London quyết định đính chính nhằm trấn an lo ngại của dư luận rằng Chính phủ sẽ chấp nhận trả cho EU số tiền lớn nhằm có được thỏa thuận thương mại với EU...

Như vậy là, sau vòng khởi động rầm rộ hồi tháng 6, tiếp đến vòng đàm phán hồi tháng 7, Anh và EU chưa thể nhích được thêm bước nào trên lộ trình đàm phán Brexit mà vẫn trong tình trạng “kiến bò miệng chén”, quẩn quanh không lối thoát.