Khủng hoảng học tập toàn cầu

Các số liệu thống kê của LHQ và Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, đại dịch Covid-19 đang gây ra một cuộc “khủng hoảng học tập” trên quy mô toàn cầu.

Biếm họa của ARCADIO
Biếm họa của ARCADIO

Theo ước tính của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), khoảng 1,6 tỷ học sinh tại hơn 190 quốc gia đã buộc phải nghỉ học khi dịch bệnh lên đến đỉnh điểm. Trong khi đó, theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), số ngày nghỉ học của trẻ em ở khu vực Mỹ latin đã cao gấp bốn lần so thông thường do tác động dịch bệnh. Hiện, vẫn còn hơn 137 triệu trẻ em ở khu vực này chưa được trở lại trường học. WB vừa cảnh báo, khu vực Mỹ latin có thể bị thiệt hại tới 1.700 tỷ USD.

Tại nhiều quốc gia khác ngoài khu vực Mỹ latin, đại dịch Covid-19 cũng đang “cản bước” đến trường của hàng triệu học sinh và có nguy cơ đẩy nhiều em trong số đó vào cảnh thất học. Chẳng hạn, tại Philippines, UNICEF ước tính hơn một triệu học sinh thôi học kể từ khi các trường tại nước này đóng cửa. Giới chuyên gia lo ngại nhiều học sinh, sinh viên đang bị bỏ lại phía sau và những em mới bỏ học vì dịch có thể sẽ không trở lại lớp nữa…

Cuộc “khủng hoảng học tập” trên quy mô toàn cầu nêu trên đang có nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy lâu dài và nghiêm trọng, tạo ra bất bình đẳng xã hội. Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Mỹ latin C.Jaramillo bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài cho cả một thế hệ. Theo WB, trong tương lai, sự thiệt hại lớn về giáo dục, nguồn vốn con người và năng suất có thể dẫn đến sự suy giảm tổng thu nhập. Thông cáo của WB nhấn mạnh rằng, tình trạng “nghèo đói trong học tập” đồng nghĩa tỷ lệ trẻ em 10 tuổi không có khả năng đọc và hiểu một câu chuyện đơn giản có thể tăng từ 51% lên 62,5%, tương đương con số 7,6 triệu trẻ nhỏ, chỉ tính riêng ở khu vực Mỹ latin.

Trước tình trạng nêu trên, các tổ chức của LHQ và WB khuyến cáo chính phủ các nước cần khẩn trương hành động để bù đắp sự chậm trễ, cũng như nắm bắt cơ hội để cải thiện hệ thống giáo dục. Theo đó, bên cạnh nhiệm vụ chống dịch Covid-19 và phục hồi tăng trưởng kinh tế, các quốc gia phải dành ưu tiên đầu tư cho giáo dục và chú trọng tính hiệu quả của các chương trình này trước khi quá muộn.