Hy vọng mong manh

Mặc dù quân đội Mỹ và các đồng minh đã bắt đầu tiến trình rút quân khỏi Afghanistan theo đúng thỏa thuận đã ký với lực lượng Taliban hồi đầu năm 2020, song bạo lực vẫn gia tăng ở quốc gia Nam Á này, đe dọa mọi nỗ lực thiết lập nền hòa bình lâu dài của các bên.

Biếm họa của SHADI GHANIM
Biếm họa của SHADI GHANIM

AP ngày 9-5 đưa tin, ba vụ nổ xảy ra liên tiếp bên ngoài Trường trung học phổ thông Sayyed-ul-Shuhada ở thị trấn Etifaq Township, phía tây Thủ đô Kabul của Afghanistan, khiến ít nhất 50 người chết, phần lớn là học sinh và khoảng 100 người khác bị thương. Mặc dù lực lượng Taliban tuyên bố không dính líu và cáo buộc các tay súng tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện vụ đánh bom thảm khốc, nhưng Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani lên án mạnh mẽ vụ tiến công và cáo buộc Taliban chủ mưu.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Ashraf Ghani quy trách nhiệm Taliban. Trước đó, Taliban đã mở hàng loạt cuộc tiến công nhằm vào các mục tiêu quân sự và dân sự tại Afghanistan, trong đó có cuộc giao tranh ác liệt với quân đội chính phủ tại tỉnh Helmand. Đến ngày 6-5, Taliban đã chiếm được Dahla - con đập lớn thứ 2 của Afghanistan, sau nhiều tháng giao tranh tại tỉnh Kandahar. Taliban cũng gây ra các vụ tiến công khác tại tỉnh Baghlan và bị cáo buộc phá hoại hạ tầng điện lực ở Thủ đô Kabul.

Bạo lực leo thang trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban ở Thủ đô Doha (Qatar) đang bị đình trệ. Taliban cũng không tham gia một số hội nghị hòa bình do Nga và Mỹ hậu thuẫn. Điểm mấu chốt gây ra sự bế tắc trong đàm phán chính là yêu sách của Taliban buộc tất cả lực lượng nước ngoài phải rút quân khỏi Afghanistan. Theo thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban, Washington sẽ rút toàn bộ quân trước hạn chót 1-5 vừa qua, song phải đến ngày 11-9 tới, toàn bộ lính Mỹ mới ra khỏi quốc gia Nam Á. 

Giới quan sát cho rằng, sự thay đổi trong lịch trình rút quân của Mỹ là nguyên nhân khiến Taliban gia tăng các cuộc tiến công nhằm buộc lực lượng nước ngoài phải nhanh chóng đưa hết binh sĩ về nước. Tuy nhiên, cách hành xử cực đoan, bạo lực của phiến quân đang đe dọa phá vỡ mọi nỗ lực hòa giải của các bên, có nguy cơ buộc Mỹ và đồng minh phải đình chỉ kế hoạch rút quân để ở lại đối phó Taliban, khiến hy vọng về hòa bình cho Afghanistan ngày càng mong manh hơn.