Họa vô đơn chí

Đại dịch Covid-19 đang gây ra những hậu quả nặng nề với thị trường lao động toàn cầu. Dù khủng hoảng dịch bệnh chưa qua, một cuộc “khủng hoảng việc làm” và các vấn đề an sinh xã hội đã xuất hiện trên thế giới.

Biếm họa của LIU RUI
Biếm họa của LIU RUI

Theo thăm dò mới nhất của Viện Gallup (Mỹ), một phần hai số người được hỏi cho biết đã phải tạm thời nghỉ việc hoặc ngừng kinh doanh do dịch Covid-19. Tại 57 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Zimbabwe, Philippines, Kenya và El Salvador, hơn 65% số người được hỏi cho biết đã phải nghỉ làm một thời gian vì dịch bệnh. 

Các chỉ số thống kê tại một số nền kinh tế lớn cũng cho thấy, dịch bệnh đã “đánh cắp” hàng triệu việc làm, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Tại Ấn Độ, cùng với số ca nhiễm Covid-19 tăng báo động, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng đột biến lên 27,11% trong tuần qua, so mức dưới 7% trước khi đại dịch tái bùng phát tại nước này giữa tháng 3 năm nay. Mạng tin Business Standard ngày 5-5 cho biết, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở các khu vực thành thị với 29,22%, trong khi ở nông thôn là 26,69%. Tại Hàn Quốc, thống kê cho thấy tháng 3 vừa qua, ở nước này vẫn có tới gần 3,6 triệu người thất nghiệp. Tình trạng thất nghiệp vì dịch Covid-19 cũng vẫn nghiêm trọng tại Nam Phi, Malaysia, Thái-lan…

Khi người lao động không có việc làm hoặc bị giảm số giờ làm đồng nghĩa với giảm hoặc không có thu nhập, kéo theo “gánh nặng” bảo đảm an sinh xã hội gia tăng với nhiều quốc gia. Kết quả cuộc thăm dò dư luận do Viện Gallup tiến hành với 300.000 người tại 117 quốc gia cho thấy, cứ hai người trên thế giới có một người bị sụt giảm thu nhập do đại dịch Covid-19. Thái-lan có nhiều người bị giảm thu nhập nhất, với tỷ lệ 76%. Trong khi đó, một nghiên cứu của tổ chức Oxfam vừa công bố cho biết, đại dịch đã khiến thu nhập của phụ nữ trên thế giới giảm 800 tỷ USD.

Thực tế nêu trên chỉ ra rằng dịch Covid-19 là “họa vô đơn chí”. Bất kể trên bình diện toàn cầu hay quốc gia, dịch bệnh đã gây ra các hậu quả nặng nề, trong đó có khủng hoảng việc làm. Bởi vậy, “việc cần làm ngay” của các chính phủ không chỉ là chống dịch và phục hồi kinh tế, mà còn phải dành nguồn ngân sách thích đáng để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, giúp họ sớm tái hòa nhập thị trường lao động.