Đứng trên chân mình

Triển lãm Hàng không Paris hằng năm diễn ra ở Thủ đô nước Pháp là nơi chứng kiến những màn ra mắt ngoạn mục các sản phẩm và công nghệ mới nhất trong ngành công nghiệp hàng không thế giới. Không là ngoại lệ, song một số màn giới thiệu trong sự kiện tại sân bay Paris-Le Bourget năm nay còn cho thấy sự rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với nhiều đồng minh.

Biếm họa của CAI MENG
Biếm họa của CAI MENG

Ngay ngày khai mạc Triển lãm (17-6), Tổng thống Pháp E.Macron đã chủ trì lễ ký kết thỏa thuận ba bên giữa Pháp, Đức và Tây Ban Nha, về chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới của châu Âu, mang tên Hệ thống tác chiến trên không tương lai (FCAS), được giới chức quốc phòng Pháp xem là một khí tài có ý nghĩa quan trọng trong cuộc “chạy đua quyền lực” của ngành công nghiệp hàng không nửa cuối thế kỷ 21.

Nhằm thay thế những chiếc Rafale và Eurofighter hiện tại, các máy bay chiến đấu thế hệ mới của châu Âu sẽ kết nối và tương thích những máy bay, vệ tinh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như các hệ thống tác chiến khác. Dự án FCAS còn được đánh giá là phù hợp tham vọng của giới lãnh đạo châu Âu về tăng cường hợp tác nhằm giảm bớt phụ thuộc công nghệ Mỹ.

Cũng tại triển lãm ở Paris năm nay, Công ty Hàng không Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu giới thiệu “Turkish Fighter” - máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 gắn mác “Sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ”. Công ty trên tự tin rằng, việc phát triển thành công tiêm kích thế hệ mới nhất đánh dấu bước phát triển công nghệ ngoạn mục của ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, chứng tỏ không có sự khác biệt lớn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các “ông lớn” trong lĩnh vực này, cả về quan điểm lẫn cơ sở hạ tầng công nghệ.

Những sự kiện nêu trên không đơn thuần là những màn giới thiệu công nghệ, mà còn là lời khẳng định về năng lực của Thổ Nhĩ Kỳ, hay ba cường quốc châu Âu. Đặc biệt, những cuộc ra mắt diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Tổng thống D.Trump ngày càng tỏ rõ sự miễn cưỡng trong hỗ trợ quân sự cho “lục địa già”, hay ngừng cung cấp máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh rạn nứt ngày càng lớn với Mỹ, các đồng minh của “xứ cờ hoa” càng có lý do để thúc đẩy tự chủ về công nghệ quốc phòng, gửi đi thông điệp họ có thể “đứng trên chân mình”, tiến tới không còn phụ thuộc “chiếc ô an ninh” mà Washington thường viện dẫn mỗi khi muốn gây sức ép.