Động lực mới

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia, Johnny Plate hôm 12-3 thông báo nước này vừa đề xuất đăng cai Diễn đàn Kinh doanh kinh tế sáng tạo ASEAN, với chủ đề “Tăng cường nền kinh tế sáng tạo kỹ thuật số: Hướng tới phục hồi kinh tế khu vực”, dự kiến diễn ra vào tháng 11.

Biếm họa của MANNY FRANCISCO
Biếm họa của MANNY FRANCISCO

Trước đó, sáng kiến nói trên đã được Indonesia đề xuất tại Hội nghị lần thứ 15 các Bộ trưởng phụ trách thông tin của ASEAN (AMRI-15), tổ chức trực tuyến. Ông Johnny Plate bày tỏ hy vọng diễn đàn có thể đóng góp nhiều hơn vào việc cải thiện nền kinh tế kỹ thuật số, góp phần phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tàn phá nặng nề hầu hết các nền kinh tế Đông - Nam Á.

Trước khi Indonesia công bố kế hoạch nêu trên, các quốc gia Đông - Nam Á đều đã nhận thức rõ tầm quan trọng của kinh tế số. Chính phủ Singapore cho biết, trong tháng 4 tới sẽ đưa ra sáng kiến mới với tên gọi “Chương trình các nhà lãnh đạo số” nhằm giúp các doanh nghiệp nước này đẩy nhanh nỗ lực chuyển đổi số. Trong khi đó, Malaysia vừa công bố Kế hoạch tổng thể kinh tế kỹ thuật số quốc gia với tên gọi “MyDigital”. 

Tại Thái-lan, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Cơ quan Xúc tiến kinh tế kỹ thuật số (DEPA) Nuttapon Nimmanphatcharin cho biết, DEPA đang nỗ lực nhằm tạo dựng và thu hút các nhà cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử đặt trụ sở tại Thái-lan, coi đó như một động lực khác cho ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD này. 

Trang mạng Thinkchina.sg của Singapore mới đây nhận định, các nước Đông - Nam Á có đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để “chuyển mình” khỏi nền kinh tế truyền thống, khi khu vực này có hơn một nửa dân số dưới 30 tuổi. Tại đây, điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi và nền kinh tế internet đang tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc, dự kiến đạt 300 tỷ USD vào năm 2025. Việc xây dựng nền kinh tế số đã trở thành một phần then chốt trong sự phát triển chiến lược của một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái-lan, Việt Nam...

Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 dù gây ảnh hưởng nghiêm trọng song cũng là cơ hội để các nền kinh tế Đông - Nam Á “chuyển mình” khỏi nền kinh tế truyền thống. Theo các nhà phân tích, kinh tế số sẽ là động lực giúp khu vực phục hồi nhanh, năng động, bền vững hơn và thích ứng hiệu quả hơn với các rủi ro trong tương lai.