Đi nhanh, hay đi chậm?

Cuộc thảo luận giữa các đại diện Iran và các cường quốc Nhóm P5+1 đã khởi động tại Vienna (Áo), với hy vọng cứu bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). 

Biếm họa của EMAD HAJJAJ
Biếm họa của EMAD HAJJAJ

Iran kiên quyết giữ lập trường cứng rắn, đòi Mỹ dỡ bỏ trừng phạt trước khi bàn chuyện đối thoại trực tiếp. Còn chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn loay hoay với con tính “đi nhanh, hay đi chậm” trong việc nối lại đàm phán.

Một trong những quyết định của Tổng thống Joe Biden đảo chiều chính sách của người tiền nhiệm là “hồi sinh” JCPOA. Nhà trắng dưới thời ông Biden khẳng định sẽ tìm kiếm một thỏa thuận mới, với các cam kết mạnh mẽ và lâu dài. Mục tiêu là loại bỏ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân, mở rộng hạn chế với kho tên lửa của Iran và ngăn chặn ảnh hưởng của Tehran trong khu vực. Washington tuyên bố sẽ phối hợp Tehran phác thảo văn kiện mới, song vẫn khẳng định không nhượng bộ. Song, không bên nào chịu “xuống thang” trước, đến nay Mỹ và Iran vẫn chưa thể khởi động đàm phán. 

Trong khi đó, cả tâm lý hoài nghi ý định của ông Biden lẫn sức ép đòi ông nhanh chóng đàm phán, đều gia tăng. Những người phản đối thỏa thuận với Iran bảo lưu ý kiến rằng, một văn kiện mới cũng chỉ kiểm soát được một phần hoạt động quân sự của Tehran. Từng phản đối việc Mỹ ký JCPOA, phe Cộng hòa tiếp tục gia tăng sức ép với Tổng thống Biden. Các tình huống leo thang căng thẳng gần đây nằm ngoài dự tính, khiến Mỹ càng khó đối thoại trực tiếp với Iran. 

Các ý kiến ủng hộ lại giục Tổng thống Biden làm sống lại bản thỏa thuận lịch sử. Theo họ, nếu không nhanh chóng đưa Mỹ trở lại JCPOA, ông Biden không chỉ phản bội lời hứa với cử tri, mà còn giúp Iran có thêm thời gian để tăng đòi hỏi giảm trừng phạt, lôi kéo sự ủng hộ trong khu vực.

Tiến thoái lưỡng nan, Tổng thống Mỹ đang mắc kẹt trong việc lựa chọn tốc độ thúc đẩy đàm phán với Iran. Nếu “đi chậm”, Mỹ sẽ khiến Iran mất kiên nhẫn, dẫn đến nguy cơ tan vỡ cơ hội đối thoại và gia tăng rủi ro. Nhưng, lựa chọn “đi nhanh”, ông Biden có thể phải chấp nhận một thỏa thuận không hoàn hảo, phá hủy tham vọng trong chính sách đối ngoại.