Dấu hiệu của hy vọng

Từ ngày 7-9, Nga và Ukraine đã tiến hành cuộc trao đổi tù nhân đầu tiên kể từ khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014, làm bùng phát xung đột ở miền đông Ukraine. Tổng thống Ukraine V.Zelensky cho rằng, việc trao đổi tù nhân với Nga là bước đi khởi đầu cho tiến trình chấm dứt cuộc xung đột này.

Biếm họa của CAI MENG
Biếm họa của CAI MENG

Vấn đề trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine đã được đẩy nhanh sau khi Tổng thống Zelensky lên nắm quyền. Vài tuần trước, hai bên đã tiến hành đàm phán để thỏa thuận danh sách trao đổi, coi đây là bước tiến trong quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước. Theo đánh giá của Tổng thống Nga V.Putin, thỏa thuận trao đổi tù nhân là “một bước đi lớn hướng tới bình thường hóa quan hệ” giữa Moscow và Kiev.

Không chỉ “người trong cuộc” mà nhiều quốc gia khác cũng tỏ ra hoan hỉ trước động thái trên. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh việc Nga và Ukraine tiến hành trao đổi tù nhân và chúc mừng cả hai nước sau bước tiến quan trọng này. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Jean-Yves Le Drian nhận định Nga và Ukraine đã có bước đột phá, đồng thời kêu gọi “những tiến bộ mới cụ thể” để chấm dứt cuộc xung đột ở miền đông Ukraine giữa quân chính phủ và lực lượng đòi độc lập tại đây.

Quan hệ giữa Kiev và Moscow đã xấu đi từ sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập Nga năm 2014. Giao tranh ở miền đông Ukraine đã làm hơn 13.000 người thiệt mạng trong 5 năm. Để giải quyết cuộc xung đột, nhóm “Bộ tứ Normandy” (gồm Ukraine với Nga, Pháp và Đức) đã được thành lập nhằm thúc đẩy thực thi Thỏa thuận Minsk về lập lại hòa bình ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, những chuyển biến tích cực chỉ xuất hiện kể từ khi ông Zelensky đắc cử Tổng thống Ukraine hồi tháng 4 vừa qua. Mong muốn đối thoại với Moscow của ông Zelensky đã dấy lên hy vọng làm sống lại tiến trình hòa bình đã bị bế tắc bấy lâu nay.

Dù vậy, theo nhận định của Thủ tướng Đức Angela Merkel thì động thái trao đổi tù nhân nói trên mới chỉ là “dấu hiệu của hy vọng”. Sự hòa giải giữa Nga và Ukraine vẫn luôn mong manh nếu như các bên chưa thật sự có đầy đủ thiện chí thực thi thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 2015, mà Pháp và Đức đóng vai trò trung gian.