Có công mài sắt, có ngày nên kim

Bất chấp thế bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân song phương giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc vẫn đang cho thấy những nỗ lực không mệt mỏi nhằm trở thành cây cầu nối những nhịp hòa bình giữa các bên.

Biếm họa của MATSON
Biếm họa của MATSON

Ngày 4-6, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul tuyên bố nước này đang nỗ lực hết sức để giúp tái khởi động đàm phán hạt nhân đình trệ giữa Triều Tiên và Mỹ, đồng thời tin rằng tiến triển trong đàm phán sẽ là chìa khóa để cải thiện quan hệ liên Triều. Phát biểu ý kiến với báo giới tại Thủ đô Seoul, Bộ trưởng Kim Yeon-chul nhấn mạnh: “Việc nối lại đàm phán Mỹ - Triều là ưu tiên quan trọng. Để đạt tiến triển trong đàm phán liên Triều vì hòa bình và thịnh vượng chung trên bán đảo Triều Tiên, thì quan hệ Mỹ - Triều cũng cần đạt tiến triển”.

Không dừng lại ở những tuyên bố, ông Kim Yeon-chul cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng. Trước đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết nước này sẽ tham vấn với Mỹ để khởi động lại hai dự án hợp tác kinh tế quan trọng với Triều Tiên, bởi hai dự án này sẽ đóng góp cho tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Theo đó, KCN chung Kaesong và chương trình du lịch núi Kumgang là hai dự án được coi là những biểu tượng quan trọng cho sự hàn gắn liên Triều, nhưng đã phải ngừng trong thời gian qua.

Đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng bị đình trệ kể từ cuộc gặp cấp cao hồi tháng 2 vừa qua, kết thúc mà không đạt một thỏa thuận nào, do hai bên không tìm được cơ sở chung về các bước đi phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và việc nới lỏng trừng phạt của Washington. Tiến bộ ít ỏi trong đàm phán phi hạt nhân hóa đang gây phương hại cho quan hệ liên Triều, làm đình trệ các dự án hợp tác xuyên biên giới quan trọng trong nhiều tháng.

Bởi thế, Seoul đang cố gắng phá vỡ bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa bằng cách tổ chức một hội nghị cấp cao liên Triều mới. Những nỗ lực thúc đẩy đàm phán của Hàn Quốc hiện chưa thu được kết quả cụ thể nào, song Seoul hy vọng “có công mài sắt, có ngày nên kim”, nhất là khi cả Mỹ và Triều Tiên đều đồng lòng với những lợi ích mà tiến trình phi hạt nhân hóa đem lại cho khu vực và thế giới.