Cảnh giác với “bom nợ”

Đại dịch Covid-19 không chỉ đẩy các nền kinh tế lún sâu vào suy thoái, mà còn đang tạo nên quả “bom nợ” khổng lồ trên quy mô toàn cầu.

Biếm họa của BRADLE
Biếm họa của BRADLE

Tờ Sydney Morning Herald vừa có bài phân tích về hệ lụy từ các gói kích thích kinh tế vì đại dịch cho biết, gần đây, các ngân hàng trung ương và chính phủ trên toàn thế giới đã phân bổ ít nhất 15.000 tỷ USD cho các gói kích cầu, thông qua biện pháp mua trái phiếu và tăng chi tiêu ngân sách, để “tăng lực” nhằm giúp các nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ hiện nay. Tuy nhiên, khi các nền kinh tế chưa kịp “hồi sức” sau cơn nguy kịch thì liều thuốc kích cầu nêu trên đang nguy cơ gây ra “tác dụng phụ” vô cùng nguy hiểm, khiến nguy cơ khủng hoảng nợ trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo ước tính của Viện Tài chính quốc tế (IIF), tổng nợ toàn cầu đã tăng thêm 87.000 tỷ USD kể từ năm 2007 và trong đó phần lớn là nợ của các chính phủ, với 70.000 tỷ USD. Tuy nhiên, tình trạng nợ nần của các chính phủ còn nghiêm trọng hơn khi phải tung ra các gói kích cầu vì đại dịch Covid-19. Việc gia tăng nợ nần do kích cầu quá mức sẽ phá hủy các nền kinh tế. Những “nạn nhân” chịu tổn thương nhiều sẽ là các quốc gia có mức nợ cao nhất, bất kể đó là nước giàu hay nghèo.

Giải pháp chống suy thoái kinh tế phổ biến của ngân hàng trung ương tại nhiều nền kinh tế mới nổi là thực hiện các “chương trình nới lỏng định lượng”. Tuy nhiên giới phân tích cảnh báo rằng, không nên coi đây là “liều thuốc chữa bách bệnh” cho nền kinh tế đang suy yếu. Trên thực tế, phần lớn các nền kinh tế mới nổi không có tích lũy lớn trong nước, hầu hết phụ thuộc các nhà đầu tư nước ngoài để bù đắp thâm hụt cán cân thanh toán. Theo đó, cùng với rủi ro lạm phát, việc nới lỏng định lượng có thể đưa một số nền kinh tế đang phát triển rơi vào một chu kỳ mất giá và lạm phát khác.

Như vậy, “di chứng” nợ mà các gói kích cầu chống Covid-19 để lại có thể tạo ra các cuộc khủng hoảng trong tương lai, cản trở tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tình trạng nghèo đói, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Điều này đòi hỏi các chính phủ phải cân nhắc kỹ lưỡng việc triển khai các gói kích cầu kinh tế trong bối cảnh “bom nợ” đã vô cùng nghiêm trọng như hiện nay.