Ánh sáng cuối đường hầm

Tín hiệu tích cực đầu tiên đã xuất hiện, dấy lên hy vọng cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh kéo dài hai năm rưỡi qua sớm khép lại. Qatar xác nhận đã khởi động và đạt tiến triển trong đối thoại với Saudi Arabia.

Biếm họa của SERGII FEDKO
Biếm họa của SERGII FEDKO

Phát biểu ý kiến với báo giới bên lề cuộc hội thảo về chính sách đối ngoại, diễn ra hôm 6-12 ở Thủ đô Rome của Italia, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar, ông Al-Thani nêu rõ, nỗ lực “hạ nhiệt” căng thẳng ngoại giao giữa Qatar với các nước Arab vùng Vịnh đã có bước chuyển, từ tình trạng bế tắc sang “có tiến triển”. Không cung cấp thông tin chi tiết, song người đứng đầu ngành ngoại giao Qatar xác nhận các cuộc gặp giữa giới chức hai nước đã được tiến hành gần đây và hai bên cùng chia sẻ ưu tiên hàng đầu là “đối thoại vì tầm nhìn tương lai” trong quan hệ Qatar - Saudi Arabia.

Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh bùng lên từ tháng 6-2017, sau khi Saudi Arabia cùng các đồng minh, gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập, cắt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc Doha “hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố”, phá hoại an ninh và ổn định khu vực. Bốn nước Arab sau đó áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, mạnh nhất là khóa cửa khẩu biên giới đất liền, đóng không phận, trục xuất công dân Qatar. Một bản yêu sách 13 điểm được bốn nước đưa ra để đổi lấy việc gỡ bỏ các lệnh cấm vận, trong đó đòi hỏi mấu chốt là Doha đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và “hạ tầm” mối quan hệ giữa Qatar và Iran.

Trong khi một mực bác bỏ cáo buộc “hỗ trợ khủng bố”, Qatar đồng thời tung ra các biện pháp đáp trả. Ngoài việc đình chỉ quan hệ ngoại giao, Doha còn áp đặt hạn chế thương mại với các đối thủ. Những động thái trả đũa lẫn nhau giữa Qatar và bốn nước Arab dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, tại vùng Vịnh. Không chỉ “đóng băng” quan hệ giữa Qatar và bốn nước, mà còn làm rạn nứt quan hệ giữa Qatar với Liên đoàn Arab (AL), vốn được cho là chịu nhiều ảnh hưởng từ Saudi Arabia.

Nhiều nỗ lực hòa giải của khu vực và quốc tế, nổi bật là vai trò trung gian của Kuwait, đến nay vẫn chưa thể tháo gỡ bế tắc. Bởi thế, việc Qatar chính thức khởi động đối thoại với Saudi Arabia nhằm hàn gắn quan hệ song phương được xem như “ánh sáng cuối đường hầm”, có thể đưa các bên đến bàn đối thoại, giải quyết cuộc khủng hoảng dai dẳng.