Vị thế mới cho hàng nông sản xuất khẩu

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sự chủ động vào cuộc và có những giải pháp mang tính liên tục của Bộ Công thương đã giúp kim ngạch xuất khẩu (XK) nông sản giữ được ổn định. Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và ngày càng khó lường. Vì vậy, trong giai đoạn mới hiện nay đòi hỏi phải có tâm thế mới và các giải pháp phù hợp, hiệu quả để ứng phó tình hình mới.

Chế biến nông sản xuất khẩu.
Chế biến nông sản xuất khẩu.

Xuất khẩu có nhiều điểm sáng

Dịch Covid-19 tác động xấu đến sản xuất và XK của nhiều ngành hàng, song vẫn có không ít doanh nghiệp (DN) chủ động ứng biến để trụ lại và thích nghi, duy trì hoạt động kinh doanh, XK hiệu quả. Chịu ảnh hưởng nặng nề từ gián đoạn đơn hàng XK với các khách hàng nhập khẩu (NK) lớn tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… nhưng kim ngạch XK của Việt Nam bốn tháng đầu năm vẫn tăng 4,7%, đạt gần 83 tỷ USD. Một số DN vẫn có đơn hàng XK tốt nhờ chuyển đổi sản xuất và chủ động thích ứng cách thức kinh doanh trong mùa dịch.

Báo cáo tình hình XK trong bốn tháng đầu năm, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (XNK), Bộ Công thương Trần Thanh Hải cho biết, bất chấp dịch Covid-19, XK vẫn tăng trưởng tại nhiều thị trường lớn. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam trong bốn tháng đầu năm, với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 13,4%. Tiếp đến là Trung Quốc, đạt 13,1 tỷ USD, tăng 26,7%. Nhật Bản đạt 6,7 tỷ USD, tăng 10,1%. Đáng chú ý, nhiều thị trường châu Mỹ ghi nhận mức tăng mạnh, như Mexico tăng 61%, Chile tăng 93%, Argentina tăng 55%, Colombia tăng 93%, Panama tăng 73% và Peru tăng 82%.

Tuy nhiên, triển vọng XK của Việt Nam trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu chính yếu như Mỹ và châu Âu (EU), Trung Quốc.

Ông Trần Thanh Hải thông tin thêm, những ngày gần đây, yếu tố tích cực là Trung Quốc và Hàn Quốc đang kiểm soát dịch bệnh tốt, nên hoạt động XK sang hai thị trường này có thể sẽ hồi phục nhanh hơn trong thời gian tới. Với ngành hàng gạo, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cho phép XK gạo bình thường trở lại. Đây cũng là yếu tố thuận lợi giúp XK có thêm động lực tăng trưởng, đóng góp cho XK của cả nước.

Thích ứng & đa dạng hóa thị trường

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sự chủ động vào cuộc và có những giải pháp mang tính liên tục của Bộ Công thương đã giúp kim ngạch XK nông sản giữ được ổn định. Phó Cục trưởng XNK Trần Quốc Toản cho rằng, thế mạnh XK của Việt Nam là hàng nông sản. Nhưng nông sản là mặt hàng rất nhạy cảm và chịu tác động trực tiếp từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, các DN và người nông dân đã kịp thời thay đổi mô hình sản xuất, kịp thời thích ứng kinh doanh trong tình hình mới. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2020, Bộ Công thương đã triển khai rất nhiều biện pháp hỗ trợ cho DN trong việc thúc đẩy XK các mặt hàng nông sản. Mặt khác, việc đa dạng hóa thị trường là bước đi sống còn cho DN XK nông sản trong và sau đại dịch Covid-19. Theo đó, Ấn Độ, Australia, ASEAN, châu Phi... đang là những thị trường sáng giá cho nông sản Việt Nam chinh phục. Đặc biệt, Ấn Độ là thị trường lớn với gần 1,4 tỷ dân, chiếm được một góc thị phần nhỏ của thị trường này, các DN Việt Nam có thể yên tâm về đầu ra.

Bên cạnh Ấn Độ, theo ông Trần Quốc Toản, Bộ đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại Australia và một số nước để tìm hiểu thêm các thị trường, đưa thêm thông tin các sản phẩm của Việt Nam. Ngoài các sản phẩm quả vải thiều tươi, còn đưa thêm những thông tin về các sản phẩm đã chế biến sâu. Đây là định hướng để có thể thúc đẩy XK bền vững trong thời gian tới. Để thích ứng trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng như bảo đảm XK bền vững lâu dài, về phía các DN, nhất là các DNXK cần thường xuyên cập nhật các thông tin thị trường, cũng như diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới. Muốn định hướng phát triển lâu dài thì đầu tiên các sản phẩm phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn của thị trường NK. Chất lượng sản phẩm phải bảo đảm đồng đều, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì… cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nước NK cũng như các hướng dẫn của các cơ quan chức năng, DN phân phối XK.

Đồng thời, Bộ Công thương sẽ tổ chức kết nối sản xuất với các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam như: Aeon Mart, Lotte Mart... để đưa sản phẩm nông sản Việt vào hệ thống siêu thị của họ tại thị trường nước ngoài. Qua đó, nông sản Việt sẽ dần có vị thế và chỗ đứng tại thị trường thế giới. Riêng với quả vải thiều, thời gian vừa qua, Bộ Công thương đã triển khai rất nhiều giải pháp thúc đẩy XK sang thị trường Nhật Bản.

Về phía mình, chính quyền các địa phương cũng rất chủ động trong tìm kiếm thị trường, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy XK. Cụ thể, ở Bắc Giang hay Hải Dương đã tổ chức các cuộc họp với các cơ quan chức năng có liên quan, mời các địa phương phía biên giới cùng trao đổi, nhằm tìm ra các biện pháp, giải pháp tạo thuận lợi nhất cho XK vải thiều trước vụ thu hoạch.

Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với DN mới đây, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp và ngày càng khó lường, vì vậy trong giai đoạn mới hiện nay đòi hỏi phải có tâm thế mới để ứng phó với tình hình mới. Ngoài việc hỗ trợ DN đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, thị trường ngoài nước cũng sẽ được đặc biệt quan tâm trọng điểm trong nửa cuối năm 2020, với vai trò là điểm nhấn tạo nên sức bật cho kinh tế của Việt Nam và cho thương mại. Cụ thể như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Đông - Bắc Á, ASEAN… Đây sẽ là những thị trường trọng điểm để thực hiện phát triển nửa cuối năm 2020, từ đó tạo ra vị thế mới cho nông sản và hàng hóa XK của Việt Nam.