Tiếp tục mở rộng tín dụng

Để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 đã được Quốc hội giao là 6%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành chính sách theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh (SX-KD), đặc biệt là các dự án trọng điểm, hiệu quả...

Các tổ chức tín dụng đã tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Ảnh: N.A
Các tổ chức tín dụng đã tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Ảnh: N.A

Năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội tại hầu hết các quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là có sức chống chịu khá cao và là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới có được tăng trưởng dương về GDP bình quân đầu người, đồng thời kiềm chế được lạm phát ở mức dưới 4%. Đối với ngành NH, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ NH đúng hạn. Dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là hơn 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 27% tổng dư nợ nền kinh tế. Đến ngày 25-12-2020, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 270 nghìn khách hàng với dư nợ 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 590 nghìn khách hàng với dư nợ hơn một triệu tỷ đồng.

Thực tế, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN và ngành NH đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cụ thể, về điều hành tín dụng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 khoảng 6,8% và lạm phát dưới 4% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2020 khoảng 14%. Tuy vậy, dựa trên diễn biến tình hình thực tế, NHNN đã thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Cụ thể, thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) đối với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động và khả năng tài chính, nguồn vốn, định hướng mở rộng TTTD của từng TCTD. Trong đó, ưu tiên chỉ tiêu TTTD ở mức cao hơn đối với TCTD tham gia xử lý quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, TCTD giảm lãi suất cho vay. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ TCTD tăng trưởng dư nợ có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ. NHNN cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng NH, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng NH cho doanh nghiệp (DN) và người dân.

NHNN đã ba lần liên tục (ngày 17-3-2020, 12-5-2020 và 30-9-2020) điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô lớn, tổng mức giảm khoảng 1,5 - 2%/năm lãi suất điều hành để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD. Để hỗ trợ TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với DN, NHNN đã giảm 0,6 - 1%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới sáu tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên… Đồng thời, NHNN đã điều hành công cụ tái cấp vốn phù hợp chủ trương của Chính phủ và nhu cầu vốn của TCTD. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với các TCTD được giữ ổn định để chủ động kiểm soát tiền tệ, phù hợp diễn biến lạm phát, tình hình nguồn vốn của hệ thống TCTD và nhu cầu vốn của nền kinh tế để hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong năm 2020, nghiệp vụ thị trường mở tiếp tục được NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng nhằm bảo đảm thanh khoản cho các TCTD, đồng thời chủ động kiểm soát tiền tệ, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ ổn định tỷ giá. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, NHNN đã duy trì các phiên chào mua với khối lượng hợp lý, phù hợp diễn biến thị trường và tình hình vốn khả dụng của các TCTD. Vào một số thời điểm cần thiết, NHNN đã tăng khối lượng chào mua qua nghiệp vụ thị trường mở để bảo đảm thanh khoản cho các TCTD và ổn định thị trường tiền tệ…

Mặc dù các TCTD đã triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng do nhu cầu tín dụng của khách hàng sụt giảm nên tốc độ TTTD thấp hơn so các năm trước: TTTD sáu tháng đầu năm 2020 đạt 3,65% là mức thấp nhất so cùng thời điểm của các năm trong giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, từ tháng 7, cùng với dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng đã có phần phục hồi. Đến hết năm 2020, TTTD toàn nền kinh tế ước đạt 11,5% so cuối năm 2019 (năm 2019 tăng 13,65%).

Thực tế đã chứng minh, các giải pháp được triển khai đem lại kết quả tích cực. Các TCTD đã vào cuộc mạnh mẽ, thể hiện tinh thần chia sẻ, tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục SX-KD… và bước đầu đã phản ánh những cố gắng của toàn ngành NH cùng đồng lòng chung sức với người dân, DN, với Chính phủ và các bộ, ngành trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 đã được QH giao là 6%, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực SX-KD, đặc biệt là các dự án trọng điểm, hiệu quả, có sức lan tỏa... góp phần nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động NH.