Thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA

Trước tình hình giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài năm 2019 đạt thấp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tính đến ngày 31-8, nguồn vốn này mới giải ngân được 6.480 tỷ đồng, chỉ đạt 10,7% kế hoạch vốn do Quốc hội (QH) giao (60.000 tỷ đồng).

Cầu Nhật Tân (Hà Nội), công trình sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản. Ảnh: LAM ANH
Cầu Nhật Tân (Hà Nội), công trình sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản. Ảnh: LAM ANH

Mới đây, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị trực tuyến “Tiếp tục thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019”, với sự tham gia của năm bộ có kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi lớn nhất là: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế và các cơ quan, ban quản lý dự án (DA) sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi ở 63 tỉnh, thành phố, với mục đích là tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ tình hình giải ngân vốn, làm rõ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, xác định lý do vướng mắc là gì?

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn đánh giá, tình hình giải ngân vốn ĐTC nói chung và vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong một số năm gần đây và năm 2019 là rất chậm. Trong ba năm (2016 - 2018), tổng số vốn đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài là 137.176 tỷ đồng, đạt 74,53% dự toán được QH giao. Sáu tháng đầu năm 2019, tỷ lệ giải ngân đạt 3,4% kế hoạch được QH giao, đạt 7,6% kế hoạch được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao. Tốc độ giải ngân như vậy là rất chậm.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân. Cụ thể, cuối tháng 6-2019, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, các nhà tài trợ để đánh giá tình hình, làm rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp thực hiện. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 8270/BTC-QLN ngày 8-7-2019 báo cáo về tình hình giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài sáu tháng đầu năm, kiến nghị các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Cùng với đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã cũng có Công điện số 1042/CĐ-TTg ngày 2-8-2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2019.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo báo cáo của các đơn vị chức năng Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn ĐTC nguồn ngân sách nhà nước tám tháng đầu năm 2019 là 6.286,316 tỷ đồng, đạt 37,92% so kế hoạch QH giao và đạt 41,39% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, cập nhật đến ngày 31-8-2019 mới giải ngân được 6.480 tỷ đồng, chỉ đạt 10,7% kế hoạch vốn do QH giao (60.000 tỷ đồng) và 15,7% kế hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo (40.735 tỷ đồng). Chi thường xuyên từ nguồn vốn nước ngoài tám tháng đầu năm đạt 862 tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán QH phê duyệt. Trong đó, có 35 bộ, ngành, địa phương từ đầu năm 2019 đến nay chưa có giải ngân; nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như: Bộ Y tế (4,8%), tỉnh Quảng Ninh (0,5%), Quảng Nam (2,3%), Hưng Yên (8,3%).

Nguyên nhân của việc giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi chậm, theo Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà, là do vốn giải ngân xây dựng cơ bản đạt thấp, mà đặc biệt là vốn có nguồn ODA , vốn vay ưu đãi có ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế - xã hội năm 2019, mục tiêu năm 2019 và cả năm 2020. Đánh giá của Bộ Tài chính về công tác giải ngân cho thấy, ba năm chỉ thực hiện được hơn 74%. Ở đây có ba nguyên nhân: Thứ nhất, tính sẵn sàng của các DA đầu tư. Thí dụ, điều chỉnh kế hoạch vốn tăng tổng mức đầu tư liên quan trình tự thủ tục, thẩm quyền, đặc biệt là các DA lớn quan trọng. Thứ hai, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư ở các địa phương, nơi nào làm tốt, triển khai DA mới tốt được. Thứ ba, liên quan tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu, trong quá trình triển khai thực hiện có nhiều DA còn chậm, có DA gặp khó khăn, vướng mắc nhất định, dẫn đến tình trạng có chương trình DA được ghi kế hoạch, giao vốn nhưng không đủ điều kiện giải ngân, rút vốn. Ngược lại, có những chương trình, DA không được ghi đủ kế hoạch vốn, không đủ điều kiện giải ngân. Theo yêu cầu, trách nhiệm, các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý DA cần quan tâm quyết liệt tháo gỡ khó khăn vướng mắc…

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thực tế, tổng số vốn ĐTC đã thực hiện giai đoạn 2016 - 2018 mới đạt 137.176 tỷ đồng. Trường hợp năm 2019 số giải ngân thực tế đạt tối đa bằng số kế hoạch (60.000 tỷ đồng) thì số kế hoạch còn lại cho năm 2020 là 162.824 tỷ đồng. Với tiến độ giải ngân như ba năm trở lại đây thì việc sử dụng hết số kế hoạch vốn còn lại năm 2020 là không khả thi, đòi hỏi phải có các biện pháp quyết liệt hơn nữa thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC nói chung và vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài nói riêng. Biện pháp cần tập trung vào các nhóm vấn đề: vướng mắc trong giao kế hoạch vốn ĐTC trung hạn chậm, thiếu so nhu cầu; phân bổ vốn chưa sát thực tế; điều chỉnh kế hoạch chậm, thủ tục kéo dài; tính sẵn sàng của các DA đầu tư thấp, hoàn thành thủ tục đầu tư chậm, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng; chậm trễ trong việc hoàn thành các thủ tục về hồ sơ giải ngân thanh toán cũng như ghi thu, ghi chi. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1042/CĐ-TTg.