Thu hút hiệu quả dòng FDI

Sự cạnh tranh trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lúc nào cũng diễn ra, tuy nhiên thời kỳ hậu Covid-19, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn vì sau khi kinh tế rơi vào suy thoái, quốc gia nào cũng muốn nhanh chóng phục hồi. Với Việt Nam, để đón được dòng vốn FDI lớn, cần một kịch bản tính toán kỹ lưỡng. 

Nhiều nhà đầu tư châu Âu quan tâm thị trường Việt Nam.
Nhiều nhà đầu tư châu Âu quan tâm thị trường Việt Nam.

Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến ngày 20-3-2021, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng khá mạnh, sau hai tháng đầu năm liên tiếp sụt giảm. Sở dĩ cục diện thu hút FDI tăng trở lại là nhờ thu hút được các dự án (DA) FDI lớn, trong đó phải kể tới: DA Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký hơn 3,1 tỷ USD, tại Long An. Tiếp theo là DA Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký hơn 1,31 tỷ USD, tại Cần Thơ…

Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận, dù thu hút vốn FDI vào Việt Nam đã tăng trở lại nhưng không đồng nghĩa cuộc cạnh tranh “dễ thở hơn”. Minh chứng là Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố cho thấy, nhiều nền kinh tế trong khu vực đã bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2020. Trung Quốc và Việt Nam đang được đánh giá là phục hồi theo lộ trình hình chữ V. Đặc biệt, Trung Quốc và Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm 2021, với tốc độ lần lượt là 8,1% và 6,6%. Các quốc gia còn lại trong khu vực dự kiến chỉ tăng trưởng ở mức 4,4%. Trung Quốc tăng trưởng kinh tế nhanh, vì vậy việc NĐT nước ngoài cân nhắc rút vốn khỏi nước này sẽ ngày càng khó khăn hơn, dù trước đó việc dịch chuyển vốn khỏi Trung Quốc được đánh giá là “làn sóng”. 

Theo Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phạm Đình Thúy, sự cạnh tranh trong thu hút vốn FDI lúc nào cũng diễn ra chứ không phải là giai đoạn hậu Covid-19. Tuy nhiên, thời kỳ hậu Covid-19, khả năng cạnh tranh sẽ gay gắt hơn vì sau khi kinh tế rơi vào suy thoái, nước nào cũng muốn nhanh chóng phục hồi. Việt Nam đang có những lợi thế về thu hút FDI như trong bối cảnh Covid-19, các nước trong khu vực đều tăng trưởng âm (-), riêng Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91% (năm 2020), các nước đều rơi vào tình trạng suy giảm hoạt động xuất nhập khẩu thì chúng ta vẫn tiếp tục đà tăng trưởng (+) như năm 2020 tăng 6,5% và ba tháng đầu năm 2021 (tính đến ngày 15-3-2021) tăng 24% so cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA)... trong khi các nền kinh tế trong khu vực vẫn đứng ngoài sân chơi lớn. Có môi trường kinh doanh thuận lợi, khống chế dịch tốt sẽ là “visa” để chúng ta thu hút NĐT nước ngoài. Lợi thế là dễ thấy nhưng để những yếu tố trên hấp dẫn được NĐT thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Minh chứng là Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực tám tháng, song vẫn chưa có làn sóng vốn FDI từ Liên hiệp châu Âu (EU) vào Việt Nam. Một số DA đầu tư giai đoạn gần đây là kết quả của những ý tưởng từ năm 2020. Để có giấy phép đầu tư năm 2021, các doanh nghiệp (DN) phải chuẩn bị từ năm 2019, 2020 hay thậm chí là rất lâu trước đó. 

Trong khi đó, theo Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại, đừng ảo vọng bàn con số quá lớn hay tính chuyện săn “đại bàng khủng”. Thực tế, kết quả thu hút vốn FDI của Việt Nam hiện nay chủ yếu là từ các “ông lớn” ở châu Á như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái-lan... Với Mỹ và EU, lâu nay dù chúng ta đã tính tới việc làm sao để thu hút thêm nhiều NĐT từ khu vực này nhưng vẫn rất ít. Bởi các NĐT EU còn chưa mặn mà vì môi trường kinh doanh, hạ tầng, nguồn nhân lực... chưa đủ sức hấp dẫn. 

Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế trưởng WB Jacques Morisset thẳng thắn chỉ rõ, năm 2020, Việt Nam thu hút nhiều FDI, nhưng vẫn thấp hơn năm 2019. Việt Nam cần tỉnh táo về những con số này, bởi khi quyết định đầu tư được đưa ra bao giờ cũng có điểm trễ. Nhiều quyết định đầu tư trong năm 2020 là đã có từ năm 2019 và được thể hiện trong năm 2020, tất nhiên cũng có nhiều quyết định hoãn lại. 

Thẳng thắn đề cập những vấn đề cụ thể, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để tăng sức hút đối với dòng FDI, Việt Nam cần tập trung phát triển trung tâm tài chính (TTTC) tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đây là vấn đề rất lớn hiện nay, nếu chúng ta lại bỏ qua cơ hội một lần nữa, mà lần này không làm được thì không bao giờ chúng ta làm được.

Lấy dẫn chứng đảo Cayman làm thí dụ sinh động về việc trở thành TTTC khi cách đây 40 năm đây là đảo quốc nghèo khó, nhưng với việc thành lập TTTC, hàng trăm ngân hàng (NH) đã đăng ký thành lập ở đây, trong đó có 50 NH lớn nhất thế giới và Cayman trở thành TTTC quốc tế lớn nhất thế giới, ước tính mỗi một ngày dòng tiền chảy qua đó khoảng 2.000 tỷ USD. Ở đó không thu thuế mà thu phí nhưng mỗi ngày thu hơn 300 triệu USD. Tại sao chúng ta không làm trong khi rất nhiều điều kiện thuận lợi? Từ vị trí địa lý cho đến dân số, quy mô nền kinh tế… Dịch Covid-19 đã gần được khống chế, nhiều NĐT đã tính các phương án đi xem xét các địa điểm tiềm năng để “xuống tiền”. Do vậy, đây cũng là thời điểm để Việt Nam “lót ổ” đón “đại bàng” tới đầu tư không chỉ cho năm 2021, mà cả giai đoạn 2021 - 2025.