Thu hút dòng vốn tư nhân

Để đáp ứng nhu cầu tăng cường đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các dịch vụ công của nền kinh tế thì việc thúc đẩy tư nhân đầu tư vào hạ tầng song song với đầu tư công là rất quan trọng. Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có ý nghĩa rất lớn, tác động đến hiệu quả thu hút dòng vốn tư nhân trong tương lai, hướng đến nhà đầu tư (NĐT) có năng lực thật sự.

Phát triển các công trình giao thông cần nhiều nguồn vốn. Ảnh: SONG ANH
Phát triển các công trình giao thông cần nhiều nguồn vốn. Ảnh: SONG ANH

Đóng góp vào Dự thảo Luật, tại buổi tọa đàm trực tuyến “Luật PPP có đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?”, luật sư Antoine Logeay, Công ty luật Audier & Partners Vietnam, thành viên Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong các dự án (DA) PPP. Trong Dự thảo Luật nhiều điểm tích cực nhưng một số chỗ vẫn còn cần cải thiện. Theo đó, về danh mục DA, cần có khung pháp lý cho DA mà NĐT đề xuất. Bởi lẽ, hiện chưa có nhiều tiền lệ cho các DA PPP ở Việt Nam, nếu Việt Nam có thể chọn một số DA với những thành công có sức hút cho các NĐT mới sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam. Khi đó, điều quan trọng là Việt Nam phải thể hiện đây là DA điểm thành công do NĐT đề xuất.

Là người có kinh nghiệm làm việc cho nhiều DA PPP trong 20 năm qua tại Việt Nam, luật sư Oliver Massmann, Tổng Giám đốc Công ty Luật Duane Morris Việt Nam chia sẻ, số lượng các DA PPP được thực hiện thành công tại Việt Nam rất hạn chế. Điều mà NĐT nước ngoài quan tâm nhất là hoàn tất các thủ tục tài chính. Người cho vay sẽ thực hiện thẩm định chi tiết về DA trước khi giao tiền cho NĐT và NĐT phải xuất trình được hợp đồng PPP có thể giao dịch được. Điểm tích cực của dự thảo là bao gồm các điều khoản soạn thảo về quyền của bên cho vay và trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, điều khoản soạn thảo về bảo đảm về cơ chế chia sẻ rủi ro, doanh thu phải được xem xét thêm. Chính phủ phải nỗ lực để cân bằng lợi ích của họ với NĐT nước ngoài để tạo ra một môi trường phát triển PPP bền vững tại Việt Nam.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, chúng ta đang trong một thị trường cạnh tranh về nguồn vốn đầu tư, nếu các nước khác có hệ thống luật pháp môi trường tốt hơn thì họ sẽ thu hút được các NĐT chứ không phải Việt Nam. Do đó, muốn cạnh tranh về nguồn vốn đầu tư thì luật phải được xây dựng đạt tới những chuẩn mực tiên tiến, phải có những nỗ lực đột phá. Bên cạnh đó, việc thiết kế và xây dựng hệ thống pháp luật về PPP cũng như hợp đồng cần bảo đảm các đối tác bình đẳng trước pháp luật, dù là đối tác Nhà nước hay là đối tác tư nhân. Lợi ích phải bảo đảm hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ. Nguyên tắc này phải thể hiện trong các tiêu chí cụ thể. Ông Vũ Tiến Lộc cũng đề xuất, cần phải mở rộng tham gia lĩnh vực năng lượng và lĩnh vực dịch vụ công chứ không chỉ trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng của nền kinh tế. Do đó, cơ chế phải linh hoạt, đó chính là tinh thần của quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, tinh thần của pháp luật trong lĩnh vực này. Đặc biệt, cần phải có một đầu mối để thi hành dù nhiều cơ quan nhà nước tham gia trong quá trình thực hiện DA. Đừng để các DA PPP phải gặp những rắc rối về thủ tục, sẽ không thể huy động được các nguồn lực cho sự phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, thế giới đang tái cấu trúc, Việt Nam lại có cơ hội để đón nhận dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, thì Luật PPP cũng phải được xây dựng với tinh thần mang tính đột phá.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhận định, Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt với các quốc gia khác. Nhiều nước có chính sách vô cùng cạnh tranh, như Thái-lan có gói kích thích rất lớn. Vì vậy, ở thời điểm nhạy cảm này chúng ta đừng bàn tới khả năng các NĐT có đến hay không, cũng đừng quan tâm nhiều quá tới kế hoạch kinh doanh của họ vì đó là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Việc chúng ta cần phải quan tâm là xây dựng môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho các NĐT, ban hành các gói hỗ trợ hấp dẫn. Mặt khác, Việt Nam rất cần thu hút vốn đầu tư, song không phải bằng mọi giá. Chúng ta phải biết lựa chọn DN có công nghệ cao, họ chấp nhận liên kết với khối nội trong nước, thay vì “mua đứt” DN tiềm năng của Việt Nam để trục lợi. Hơn thế, cần tăng cường sự liên kết với các DN trong nước, thực hiện chuyển giao kiến thức, công nghệ cho các DN Việt Nam để tạo dựng hệ sinh thái DN hiệu quả, bền vững.