Thêm cơ hội từ nền tảng số

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, toàn nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng (NH) nói riêng, đang phải từng bước tìm cách thích ứng những thách thức chưa từng có. Việc nỗ lực đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới khuyến khích khách hàng lựa chọn sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), giao dịch online qua hệ thống NH điện tử giúp các NH có thêm động lực triển khai nhanh hơn các dịch vụ trên nền tảng số trong chiến lược số hóa của mình.

Các ngân hàng đưa ra nhiều sản phẩm mới khuyến khích khách hàng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
Các ngân hàng đưa ra nhiều sản phẩm mới khuyến khích khách hàng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và Kho bạc Nhà nước hướng dẫn về thanh toán trực tuyến, tích hợp, đồng bộ danh mục NH trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, Văn phòng Chính phủ đề nghị NHNN cung cấp danh mục chi nhánh NHTM trong cả nước để cập nhật lên Cổng dịch vụ công quốc gia. NHNN cũng là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan triển khai quy hoạch phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia theo hướng đồng bộ, thống nhất, dùng chung nhằm tiết giảm đầu mối và chi phí kết nối để cung ứng dịch vụ thanh toán cho người dân với chi phí hợp lý; hoàn thiện, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy TTKDTM và quản lý giám sát các hình thức thanh toán trực tuyến qua biên giới.

Tại Chỉ thị 02/CT-NHNN của Thống đốc NHNN cũng đưa ra yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) cần đẩy mạnh TTKDTM; đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng...

Đơn cử, Vietcombank, NH đầu tiên kết nối trực tiếp với Cổng dịch vụ công quốc gia (CDVCQG) cung cấp các giải pháp thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ mới bổ sung, là TCTD hợp tác với CDVCQG trong việc phát triển cơ chế đăng nhập một lần Single Sign On (SSO) giữa Cổng với dịch vụ internet banking của NH, giúp cho người dân có trải nghiệm hoàn toàn mới và thuận tiện khi truy cập vào CDVCQG mức độ 4 để hoàn tất thanh toán trực tuyến qua NH. CDVCQG và Vietcombank đã tạo sự liên thông trong việc thanh toán thuế từ CDVCQG, Vietcombank, Tổng cục Thuế đến Cơ quan công an chỉ trong vòng vài phút mà vẫn bảo đảm an toàn cho khách hàng. VietinBank cũng là NH được lựa chọn phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ, Kho bạc Nhà nước và các cơ quan triển khai giải pháp thanh toán trực tuyến trên CDVCQG...

Chỉ cần nhìn qua hàng loạt chương trình khuyến mãi của các NH hiện nay có thể thấy phần lớn đều dành cho các sản phẩm, dịch vụ NH điện tử. Tính sơ bộ từ tháng 1-2020 tới giữa tháng 3-2020, tổng số lượng giao dịch TTKDTM qua Napas tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so cùng kỳ năm 2019.

Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết, việc giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch Covid-19 đã khiến lượng giao dịch trên các kênh online tăng 20%, trong khi đó tại quầy giảm 20%. Nhờ lâu nay tập trung ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm, dịch vụ và quy trình của ngân hàng, hiện khoảng hơn 200 trạm LiveBank của TPBank vẫn duy trì hoạt động bình thường cho khách hàng trong giai đoạn ảnh hưởng của Covid-19. Thay vì tập trung mở rộng mạng lưới như mô hình NH truyền thống với chi phí đầu tư lớn, nhân sự và chi phí vận hành cao, độ trễ cho sinh lời kéo dài… TPBank đẩy mũi nhọn NH số với chi phí so sánh thấp hơn nhưng hiệu quả cao hơn, đặc biệt trong nắm bắt xu hướng nhu cầu trên thị trường.

Cũng giống như nhiều TCTD khác tiến hành giảm phí dịch vụ thanh toán theo chủ trương của NHNN, theo Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển, cùng với các gói tín dụng ưu đãi, SHB miễn phần lớn phí giao dịch khách hàng, điều chỉnh giảm ít nhất 50% phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên NH, miễn giảm các phí chuyển tiền liên NH và hàng loạt các phí giao dịch khác, triển khai đẩy mạnh hoạt động NH điện tử…

Thực tế, các NH đều đang rất nỗ lực để đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới khuyến khích khách hàng lựa chọn sử dụng TTKDTM nhiều hơn, giao dịch online tích cực hơn qua hệ thống NH điện tử. Thí dụ, SCB là NH đầu tiên triển khai gửi sổ tiết kiệm trực tuyến có tích hợp mã QR qua email và SMS cho các khách hàng sử dụng sản phẩm “Tiền gửi tiết kiệm Online”.

Hay HSBC Việt Nam mới đây đã giới thiệu tính năng xác thực đẩy (push notification) vào quá trình xác thực truy cập NH trực tuyến HSBCnet, tinh giản hóa và nâng cao trải nghiệm NH trực tuyến cho khách hàng.

BIDV, Vietcombank… đều tích hợp tính năng mua sắm trực tuyến trên ứng dụng NH điện tử của mình giúp khách hàng dễ dàng mua sắm các nhu yếu phẩm tại nhà. Từ ngày 16-3-2020, Vietcombank cũng chính thức triển khai dịch vụ thanh toán phí dịch vụ y tế trực tuyến với Bệnh viện đa khoa An Sinh thông qua QR Code. UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận cho CTCP Zion và VietBank tiếp tục thực hiện thí điểm thanh toán tự động cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến hết tháng 12-2020; Techcombank thì công bố tính năng mới trên ứng dụng F@st Mobile cho phép khách hàng có thể yên tâm đặt lịch hẹn tư vấn bảo hiểm trên ứng dụng với các tư vấn viên của Techcombank…

Theo các chuyên gia, việc sử dụng các kênh phân phối, tiếp cận người dùng trên nền tảng số, các điểm tương tác khách hàng qua ứng dụng điện thoại thông minh… và ứng dụng công nghệ để cải thiện hiệu quả vận hành hệ thống nội bộ, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ là vô cùng cần thiết cho các NH, đặc biệt là khi có rủi ro khó lường như dịch Covid-19. Dịch Covid-19 đã buộc các NH xem xét lại mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa, giúp NH từng bước trở thành NH số, cung cấp tiện ích, trải nghiệm mới mẻ và đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng.