Tạo khung pháp lý cho thương mại điện tử

Trước việc xuất, nhập khẩu (XNK) qua kênh thương mại điện tử (TMĐT) gia tăng mạnh mẽ, việc đưa hoạt động này vào khuôn khổ pháp lý và tương thích với cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia là điều cần thiết. Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đang tiếp nhận ý kiến đóng góp của các bộ, ngành nhằm sớm hoàn thiện dự thảo Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa XNK để trình các cấp có thẩm quyền trong tháng 9-2019.

Thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong giai đoạn phát triển công nghiệp 4.0 của các nước trên thế giới.
Thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong giai đoạn phát triển công nghiệp 4.0 của các nước trên thế giới.

Theo Bộ Công thương, trong giai đoạn 2017–2019, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam trung bình đạt từ 25 - 30%. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta có độ mở cao với việc thực hiện nhiều FTA, kim ngạch XNK đã vượt mốc 400 tỷ USD/năm... TMĐT là xu hướng tất yếu trong giai đoạn phát triển công nghiệp 4.0 của các nước trên thế giới và Việt Nam không thể đứng bên ngoài sự phát triển này.

Quyền Cục trưởng Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Âu Anh Tuấn chia sẻ, theo các số liệu thống kê, TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đóng góp 21% doanh thu tổng TMĐT toàn cầu và tạo ra nhiều lợi ích cho cả người mua và người bán. Năm 2018, có 1,6 tỷ người tham gia TMĐT toàn cầu, ước tính đạt 3.400 tỷ USD và con số này dự kiến sẽ tăng lên 4.060 tỷ USD trong năm 2020. Tại Quyết định 1254/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa XNK và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng “Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa XNK. Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đang tiếp nhận ý kiến đóng góp của các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa XNK, kịp trình các cấp có thẩm quyền trong tháng 9-2019.

Thực tế, theo ông Âu Anh Tuấn, để đáp ứng được nhu cầu quản lý hoạt động giao dịch TMĐT, dự thảo đề án đề xuất mô hình hoạt động và phương thức quản lý đối với hai loại hình chính tại Việt Nam. Thứ nhất là hoạt động TMĐT mà người mua thực hiện đặt hàng sau đó hàng hóa mới được vận chuyển về Việt Nam hoặc ra khỏi Việt Nam, không phân biệt đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không. Thứ hai là áp dụng quản lý đối với hoạt động TMĐT mà doanh nghiệp (DN) kinh doanh TMĐT thực hiện vận chuyển hàng về Việt Nam hoặc ra khỏi Việt Nam trước khi người mua hàng thực hiện đặt hàng trên các trang TMĐT. Khi đó, Việt Nam sẽ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực. Hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) hiện nay đang chịu sự quản lý của Bộ Công thương và Bộ Tài chính.

Giới chuyên gia nhận định, việc XNK qua kênh TMĐT đang có vấn đề vướng mắc. Đó là người NK, người XK thực hiện giao dịch hàng hóa không thường xuyên (thậm chí chỉ thực hiện một lần duy nhất), số lượng sản phẩm nhỏ, nên người mua hoặc người bán không có kiến thức, kinh nghiệm về XK, NK hàng hóa. Do đó, họ thường không có thông tin cơ bản liên quan việc thực hiện thủ tục XK, NK hàng hóa; không biết hàng hóa có bị cấm NK tại Việt Nam không.

Theo các chuyên gia, điều cần lưu ý khi xây dựng Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa XNK là phải có sự tương thích, phù hợp các FTA mà Việt Nam đã tham gia, nhất là các FTA thế hệ mới.

Một số DN cũng băn khoăn là liệu hàng hóa XNK qua kênh TMĐT có chịu sự quản lý của KTCN không? Thủ tục hải quan được thực hiện như thế nào? Việc xác định thuế suất, trị giá tính thuế… được thực hiện ra sao?

Về những vấn đề này, theo ông Âu Anh Tuấn, theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP thì việc quản lý hoạt động TMĐT nói chung đang được Chính phủ giao Bộ Công thương là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện; việc quản lý đối với hoạt động XK, NK hàng hóa đang được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính. Để bảo đảm việc quản lý các đối tượng tham gia giao dịch TMĐT, đồng thời tạo thuận lợi, thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển tại Việt Nam, dự thảo đề án đề xuất một số nhóm giải pháp cụ thể: Đối với nhóm giải pháp liên quan việc thông quan nhanh hàng hóa, dự thảo đề án đề xuất thực hiện hai nhiệm vụ. Thứ nhất, cần phải xây dựng các thủ tục hải quan, thủ tục KTCN nhằm kiểm soát được hàng hóa nhưng giảm thời gian, thủ tục cho người khai hải quan. Để triển khai được nhiệm vụ này, cần thiết phải xây dựng một nghị định quy định về quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa qua biên giới nhằm quy định về thủ tục hải quan, chính sách mặt hàng, chính sách thuế... Thứ hai, cần xây dựng một hệ thống nhằm quản lý được hoạt động TMĐT.

Đối với nhóm giải pháp liên quan KTCN, ông Âu Anh Tuấn cho biết thêm, đề án sẽ xây dựng các quy định về việc miễn KTCN, cấp giấy phép đối với hàng hóa phải KTCN trong trường hợp có trị giá hải quan từ một triệu đồng trở xuống; hay có trị giá hải quan hơn một triệu đồng nhưng thuộc danh mục hàng hóa được miễn kiểm tra chất lượng sản phẩm, miễn kiểm tra an toàn thực phẩm. Đối với nhóm giải pháp liên quan chính sách thuế, dự thảo đề xuất, hiện nay do chưa có hệ thống để tiếp nhận, lưu giữ, xử lý dữ liệu liên quan giao dịch TMĐT nên khách hàng khi thực hiện mua hàng qua sàn giao dịch TMĐT, website điện tử bán hàng vào thời điểm hàng hóa được giảm giá nhưng khi về đến Việt Nam cơ quan hải quan không có căn cứ để tính thuế trên trị giá hàng hóa đã giảm mà tính theo nguyên giá hàng hóa, như vậy không phản ánh được đúng trị giá giao dịch. Do đó, cần có quy định cụ thể về việc chấp nhận trị giá giao dịch qua TMĐT là trị giá thực của giao dịch để thực hiện tính thuế với điều kiện các thông tin về giao dịch TMĐT được gửi đến hệ thống quản lý hàng hóa giao dịch TMĐT.