Tăng sức cho doanh nghiệp bán lẻ

Sự đổ bộ của các doanh nghiệp bán lẻ (DNBL) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường nước ta thời gian qua đã làm dấy lên một số lo ngại rằng DN FDI đang thao túng thị trường (TT) và DNBL trong nước chịu “lép vế”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự có mặt của các DN FDI chưa thật sự đáng ngại. Vấn đề cần quan tâm là, trước sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp nước ngoài, DNBL trong nước cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, đa dạng hóa và cải thiện chất lượng sản phẩm kinh doanh.

Kênh bán lẻ là một thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư. Ảnh: NG.HẢI
Kênh bán lẻ là một thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư. Ảnh: NG.HẢI

Chuyên gia ngành bán lẻ Vũ Vinh Phú cho biết, tiềm năng TTBL Việt Nam rất lớn với dân số cả nước hơn 90 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ cao, kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 20% và sức mua ngày càng cao. Tuy nhiên, độ cạnh tranh hiện nay rất khốc liệt. Cạnh tranh diễn ra giữa cửa hàng tiện lợi và cửa hàng tạp hóa; cạnh tranh giữa DN trong nước và DN FDI. Bên cạnh đó, mặt bằng thuê cửa hàng bán lẻ hiện rất đắt, so các nước như: Indonesia, Philippines, giá thuê mặt bằng siêu thị tại Việt Nam đắt hơn khoảng 20 - 30%. Chưa kể, nhìn chung, các DN FDI rất mạnh mẽ và quyết liệt, có nhiều ưu thế hơn so DN Việt Nam.

Dẫn số liệu của Bộ Công thương, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, DN FDI tham gia TTBL Việt Nam chủ yếu ở phân khúc TTBL hiện đại, trong đó có khoảng 15% thị phần của phương thức bán lẻ qua trung tâm thương mại, siêu thị có diện tích hơn 500 m²; 50% thị phần của phương thức bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, 10% thị phần của phương thức bán hàng qua siêu thị mini và khoảng 50% thị phần của phương thức bán lẻ không thông qua cửa hàng. Đáng chú ý, sự cạnh tranh trên TT còn nhiều yếu tố không công bằng, minh bạch. Ranh giới giữa nhà buôn chân chính và tiểu thương rất mong manh, còn nhiều vụ việc trốn thuế khiến sức ép cạnh tranh của DN FDI với DN trong nước ngày càng mạnh mẽ hơn.

Việc “đổ bộ” của các DN FDI vào hệ thống bán lẻ khiến nhiều ý kiến lo ngại rằng, hệ thống bán lẻ trong nước đang có nguy cơ bị các DN nước ngoài thao túng và chiếm lĩnh TT. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, những diễn biến của xu hướng này và những tác động của nó tới TT trong nước trong thời gian qua chưa thật sự “đáng lo ngại” như phản ánh của dư luận. Cụ thể, báo cáo của Bộ Công thương trình Quốc hội chỉ rõ, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ, thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay chiếm khoảng 3,5 - 4%. DN FDI tham gia TTBL Việt Nam chủ yếu ở phân khúc TTBL hiện đại và chiếm khoảng 25 - 30% thị phần.

Về mức độ phát triển của khối DN FDI bán lẻ trong tương quan với các nhà bán lẻ (NBL) trong nước, thực tiễn cho thấy việc thích nghi và phát triển tại TT Việt Nam của các NBL nước ngoài trong thời gian qua thường không được như kỳ vọng ban đầu của họ. Điển hình, Metro của Đức đã bán lại cả chuỗi 19 siêu thị Metro cho TC Land của Thái-lan vào năm 2015 và từ đó đến nay, TC Land vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình kinh doanh mà chưa mở mới được siêu thị nào. Trong khi đó, Aeon phải chuyển lại 30% cổ phần trong hệ thống 23 siêu thị Fivimart - Aeon cho Vingroup vào cuối năm 2018 để Vingroup sở hữu 100% hệ thống này.

Vụ trưởng TT trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông khẳng định, các DNBL trong nước đang có sự phát triển vượt trội. Mặc dù chỉ mới tham gia TT bốn năm, nhưng đến hết ngày 31-12-2018, hệ thống bán lẻ trong nước Vinmart và Vinmart+ của Tập đoàn Vingroup đã có 1.700 siêu thị mini và hơn 100 siêu thị trên 44 tỉnh, thành phố và trở thành NBL đứng đầu ở Việt Nam. Điều không thể phủ nhận là TTBL Việt Nam luôn là một điểm đến hấp dẫn đối với các NBL nước ngoài. Ngày càng có nhiều NBL nước ngoài muốn gia nhập TT và dự báo với đà phát triển hiện nay, nếu không được kiểm soát, định hướng tốt trong trung và dài hạn, mức độ và khả năng tác động, chi phối của khối DN FDI đến TTBL Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng, đặc biệt ở phân khúc TTBL hiện đại và ở địa bàn đô thị, tác động trực tiếp tới sự phát triển của sản xuất, phân phối trong nước. Do đó, trong ngắn hạn và trung hạn, Bộ Công thương sẽ hoàn thiện các quy định pháp lý, chính sách liên quan.

Về lâu dài, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, việc mở cửa TT theo các cam kết hội nhập quốc tế, cùng với việc các rào cản thương mại, điều kiện ràng buộc về thuế quan được gỡ bỏ là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Cụ thể, 5 năm sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, việc xem xét ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) nhằm hỗ trợ DNBL trong nước sẽ bị bãi bỏ và dịch vụ phân phối bán lẻ sẽ được mở cửa hoàn toàn cho các nhà đầu tư đến từ các nước thành viên CPTPP. Bên cạnh đó, vấn đề hàng trong nước, hàng nhập từ nước ngoài cũng cần được tiếp cận cởi mở và đa chiều hơn theo mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu khi nhiều quốc gia cùng tham gia chuỗi sản xuất các bộ phận cấu thành sản phẩm. Xu thế mua bán, sáp nhập giữa các DN trong nước với nhau hay DN trong nước và DN FDI sẽ ngày càng phổ biến...

Theo ông Trần Duy Đông, cùng với các hỗ trợ của Bộ Công thương trong việc tạo TT, nâng cao năng lực cạnh tranh, DNBL Việt Nam phải tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, cải thiện chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh tại cửa hàng. Chỉ làm được như vậy, DNBL Việt Nam mới chiếm lĩnh thành công thị phần và từng bước xác lập vị trí bền vững của mình trên TTBL Việt Nam.