Tăng kết nối, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đồng thời bảo vệ DN làm ăn chân chính, trong những tháng cuối năm, bên cạnh các giải pháp cắt giảm kiểm tra chuyên ngành (KTCN) nhằm tạo thuận lợi cho DN, cần đặc biệt chú trọng chống gian lận thương mại (GLTM).

Triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng biển. Ảnh: NGUYỆT ANH
Triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng biển. Ảnh: NGUYỆT ANH

Là một trong những FTA thế hệ mới lớn nhất mà Việt Nam từng tham gia, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thực thi sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu (XK) của DN Việt Nam sang châu Âu tăng thêm gần 45% vào năm 2030; giúp GDP tăng từ 7,07 - 7,72% trong giai đoạn 2029 - 2033. Theo dự kiến, hiệp định này sẽ sớm được phê chuẩn để chính thức đi vào thực thi trong năm 2020. Đây là cơ hội tốt để DN Việt Nam tăng tính cạnh tranh, phát triển kinh doanh và khẳng định vị thế trên thương trường thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TP Hồ Chí Minh, trong khu vực ASEAN, độ mở kinh tế của Việt Nam chỉ sau Singapore, nhưng năng lực hội nhập, cạnh tranh còn thấp. Việt Nam xếp thứ 77/140 nền kinh tế, ở mức trung bình. Trong đó, năng lực cạnh tranh thể chế xếp thứ 94/140, năng lực cạnh tranh DN 101/140. Vì thế, đứng trước các cơ hội mà EVFTA có thể mang lại, cần độ sẵn sàng của cộng đồng DN, các cơ quan quản lý. Các DN Việt Nam cần chủ động chuẩn bị đón bắt những lợi thế từ EVFTA. Các DN sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường XK, tuy nhiên để tận dụng cần phải chuẩn bị, tính toán và nắm rõ các quy định mà FTA yêu cầu như tiêu chuẩn sản phẩm, nhu cầu của người tiêu dùng từng thị trường.

Mặt khác, theo ông Võ Tân Thành, trong giai đoạn hiện tại, các cơ quan quản lý nhà nước đang thực hiện siết chặt quản lý và tăng cường kiểm tra, rà soát xuất xứ hàng hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN XK để ngăn ngừa hành vi GLTM ảnh hưởng tiêu cực đến XK của Việt Nam. Đồng thời, các DN Việt Nam cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh hợp lý trung hạn và dài hạn, đặc biệt chú ý đến quy trình sản xuất sạch, an toàn, bền vững.

Nhất quán chủ trương tăng cường kết nối và tạo thuận lợi tối đa cho DN, tại cuộc họp đánh giá kết quả công tác sáu tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2019, Ủy ban Quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại và logistics (Ủy ban 1899) cho biết, tính đến ngày 10-7-2019, đã có 174 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối cơ chế một cửa quốc gia (NSW), với hơn 2,3 triệu hồ sơ của khoảng 31.000 DN. Đáng chú ý, đến nay, một số bộ đã hoàn thành kết nối NSW. Về triển khai cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và kết nối ngoài ASEAN, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với sáu quốc gia gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái-lan, Brunei và Campuchia. Tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước là 87.355, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 153.872. Hết tháng 7-2019, các bộ, ngành đã kết nối được 16 thủ tục vào ASW và NSW. Cũng trong nửa đầu năm, các bộ, ngành đã cắt giảm 15% mặt hàng thuộc diện KTCN.

Được đánh giá là một trong những đơn vị tích cực triển khai các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho DN, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho biết, hiện Bộ Công thương đã đưa hầu hết các dịch vụ công lên internet ở các mức độ khác nhau, chủ yếu là mức độ 3 và mức độ 4. Đã có 11 thủ tục của Bộ Công thương kết nối NSW, một thủ tục kết nối vào ASW. Trong nửa đầu năm 2019, ngoài các thủ tục đã thực hiện trước đây, Bộ Công thương cũng chính thức đưa thủ tục cấp Chứng thư XK (C/E) qua internet cho hàng dệt - may XK sang thị trường Mexico, tiếp tục tạo thuận lợi thương mại cho một trong những mặt hàng XK chủ lực của nước ta. Từ nay đến cuối năm, ngoài việc thực hiện trao đổi dữ liệu C/O với các nước trong khu vực ASEAN, Bộ Công thương đang xem xét tiến hành đàm phán với Liên minh Kinh tế Á - Âu và sắp tới bắt đầu đàm phán với Hàn Quốc về vấn đề này để tạo thuận lợi cho DN XK sang các khu vực Việt Nam đã có FTA.

Từ nay đến hết năm, sẽ có 45 thủ tục phải kết nối vào ASW và NSW. Trong đó, Bộ Y tế còn 14 thủ tục, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 12 thủ tục và Bộ Quốc phòng tám thủ tục. Như vậy, chỉ ba bộ này đã chiếm đến 75% số thủ tục phải kết nối. Quyết tâm tạo thuận lợi tối đa cho DN tận dụng các ưu đãi từ các FTA, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban 1899 yêu cầu, các bộ, ngành tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ rà soát quy trình thủ tục, phát triển hệ thống công nghệ thông tin và các giải pháp liên quan nhằm hoàn thành đúng mục tiêu triển khai 61 thủ tục trên NSW, ASW trong năm nay. Tiếp tục triển khai công tác cải cách với hàng hóa xuất, nhập khẩu theo tinh thần vừa tạo thuận lợi thương mại, đồng thời tăng cường chống GLTM, bám sát nhiệm vụ được giao tại Quyết định 824/QĐ-TTg 2019 về phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, Hải quan phải là cơ quan kiểm tra chốt chặt. Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ cơ quan thường trực Tổng cục Hải quan trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và KTCN, đặc biệt là các nội dung liên quan đến kiểm tra nhà nước về hải quan, để các văn bản đi vào cuộc sống, tránh tình trạng văn bản chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, DN và cơ quan quản lý nhà nước.