Tăng cường chính sách hỗ trợ

Dịch Covid-19 đã bùng phát lại tại nhiều địa phương trong cả nước. Doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, lao động tự do… tiếp tục là đối tượng dễ bị tổn thương. Do đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ (CSHT) theo hướng tạo thuận lợi hơn cho DN trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch; ban hành gói hỗ trợ DN phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục có CSHT trực tiếp bằng tiền cho người lao động thất nghiệp...

Các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa tiếp tục là đối tượng dễ bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh: SONG ANH
Các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa tiếp tục là đối tượng dễ bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh: SONG ANH

Theo Tổng cục Thống kê, có đến 85,1% số DN được khảo sát đánh giá xu hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh quý II - 2021 sẽ tốt lên và ổn định. Trong đó, 51% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên và 34,1% DN cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) sẽ ổn định. Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là khu vực có đánh giá hết sức lạc quan với 86,2% số DN dự báo tình hình SXKD quý II - 2021 tốt hơn và giữ ổn định so quý I - 2021.

Trong Báo cáo Chỉ số Môi trường kinh doanh EuroCham (BCI) quý I - 2021 vừa công bố, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho biết, lãnh đạo các DN Liên hiệp châu Âu (EU) đánh giá tích cực và lạc quan về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam năm 2021. Cụ thể, báo cáo đưa ra chỉ số BCI đạt 73,9 điểm % trong quý I - 2021. Đây là số điểm cao nhất được ghi nhận kể từ quý III - 2019, trước khi đại dịch Covid-19 tấn công hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu. Chỉ số BCI hiện đã tăng trở lại mức trước khi có Covid-19 và đây là một thành tựu đáng kể và là bằng chứng cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu song song là vừa chống dịch vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đánh giá về triển vọng của môi trường kinh doanh của Việt Nam trong quý I - 2021, 67% lãnh đạo DN EU dự đoán là “xuất sắc” hoặc “tốt”, con số dự đoán lạc quan này tăng 12% so dự đoán đưa ra cho quý I - 2021. Các DN EU cũng tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh của DN mình. Hơn 68% số DN được hỏi dự đoán rằng đơn đặt hàng và doanh thu của họ sẽ “duy trì hoặc tăng” trong ba tháng tới và tăng 25% so quý IV - 2020…

Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho biết, Việt Nam đang tiếp tục mở cửa nền kinh tế. Trong khi các quốc gia còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch Covid-19 thì Việt Nam có thể bảo đảm rằng các DN ở đây có thể tiếp tục hoạt động bình thường mà không có nhiều gián đoạn. Điều này đang giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiếp thêm niềm tin cho lãnh đạo các DN EU.

Theo đánh giá của Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh Hirai Shinji, các DN Nhật Bản đang đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, trong đó lĩnh vực thu hút tiềm năng nhất là chế biến chế tạo, lương thực thực phẩm. Số DN Nhật có mong muốn mở rộng thị phần tiêu thụ hàng hóa tại Việt Nam cũng tăng mạnh. Hiện Việt Nam được xếp tốp 10 thị trường tiêu thụ trọng yếu của hàng hóa Nhật Bản.

Với cộng đồng DN trong nước, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 52/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Dự kiến tổng số tiền được hoãn, giãn nộp thuế lần này gần 115.000 tỷ đồng. Đây là quyết định nhanh chóng, kịp thời của Chính phủ dành cho cộng đồng DN để tiếp tục tự tin đầu tư cho SXKD nhằm hồi phục nhanh hơn, phát triển bền vững hơn bất chấp những ảnh hưởng khó khăn từ đại dịch.

Việt Nam đã thể hiện được khả năng kiểm soát dịch tốt, cũng như có CSHT tích cực DN, người lao động. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai còn phát sinh không ít bất cập. Trong ba đợt dịch trước, khoảng 90% số DN trong nước bị ảnh hưởng. Để giảm thiểu nguy cơ, khắc phục hậu quả từ đại dịch, Chính phủ đã có gói hỗ trợ lần 1. CSHT của Chính phủ được DN đánh giá cao, nhất là những chính sách tài khóa như giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, chính sách nới lỏng về tín dụng của ngân hàng...

Theo chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Jacques Morisset, Việt Nam đã kiên cường chống dịch và phục hồi kinh tế; nâng cao sự hiện diện trong thương mại toàn cầu và hàm lượng giá trị gia tăng nội địa ở các mặt hàng xuất khẩu… Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai, việc hỗ trợ DN thực hiện gói hỗ trợ còn chưa được như kỳ vọng, khoảng 80% số DN được khảo sát năm 2020 không nhận được gói hỗ trợ Covid-19 lần 1 của Chính phủ. Lý do chủ yếu là DN không đáp ứng điều kiện, không có thông tin về chính sách.

Qua khảo sát tại nhiều địa phương cũng ghi nhận, một số CSHT người lao động, đa phần DN không được hưởng lợi, vì điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện, như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN… Trong khi đó, dịch Covid-19 dù đã tác động tới DN cả năm 2020, nhưng dự báo năm 2021 và các năm tiếp theo mới là giai đoạn DN “ngấm đòn”. 

Để giải được “nút thắt”, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có chính sách và quản lý thuế phù hợp, quản lý đầu tư công, quản lý nợ để hiệu quả chi tiêu; giám sát chặt chẽ, minh bạch Luật Phá sản…; có chương trình hỗ trợ xã hội có mục tiêu; đặc biệt, hỗ trợ cụ thể, trực tiếp, hữu ích cho DN hơn là những chính sách tốt nhưng đối tượng thụ hưởng khó tiếp cận… Như dự đoán, đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đã bùng phát lại tại nhiều địa phương trong cả nước. DN, đặc biệt là DN quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, lao động tự do… tiếp tục là đối tượng dễ bị tổn thương. Do đó, Chính phủ cần có CSHT theo hướng tạo thuận lợi hơn cho DN trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch; ban hành gói hỗ trợ DN phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục có CSHT trực tiếp bằng tiền cho người lao động thất nghiệp...