Sức lan tỏa từ nguồn vốn

Khoảng từ 900.000 tỷ đến 1,1 triệu tỷ đồng tín dụng tăng thêm trong năm 2020, cùng với đầu tư công (ĐTC) 700.000 tỷ đồng trong năm nay, đem đến kỳ vọng cho doanh nghiệp (DN) và người dân vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, nếu như nguồn vốn này được giải ngân trọn vẹn trong năm tài khóa 2020.

Các ngân hàng thương mại quyết định cho vay ở mức lãi suất cụ thể đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: NAM ANH
Các ngân hàng thương mại quyết định cho vay ở mức lãi suất cụ thể đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: NAM ANH

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, năm 2020, NHNN dự kiến tín dụng tăng thêm khoảng 900.000 tỷ đến 1,1 triệu tỷ đồng để bảo đảm cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng, chống dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp hơn.

Theo TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, con số tăng thêm này nằm trong mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) khoảng từ 11 đến 14% được dự liệu cho năm 2020. Nếu so sánh mức tăng này với mức tăng tổng dư nợ của những năm trước và giả định đặt trong bối cảnh điều kiện nền kinh tế hoạt động bình thường, không bị tác động bởi dịch Covid-19 thì đây là con số hoàn toàn bình thường, không thể hiện một sự thay đổi có tính đột biến. Và hơn thế, đây không phải là hình thức mở rộng cung tiền bằng các công cụ chính sách tiền tệ của NHNN. Điểm khác biệt lớn nhất là mục tiêu tăng trưởng tổng dư nợ này sẽ được thực hiện trong một điều kiện kinh tế không bình thường khi sức hấp thụ vốn của DN bị suy giảm do tác động của dịch Covid-19 dẫn đến sự thay đổi cơ bản về năng lực sử dụng vốn của các nhóm DN và nhóm ngành nghề khác nhau. Khu vực DN và hộ kinh doanh vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì, phục hồi và mở rộng sản xuất.

Đáng chú ý, theo ông Lê Duy Bình, một phần đáng kể của tổng dư nợ vào cuối năm nay sẽ là các khoản vay được tái cấu trúc lại kỳ hạn. Tính đến giữa tháng 4-2020, đã có hơn 166.000 khách hàng được cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ là 62.835 tỷ đồng. Và con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng tới đây. Đây là những điểm đặc biệt đáng chú ý đối với mục tiêu tăng thêm vốn tín dụng cho nền kinh tế trong năm 2020. Đồng thời, đây cũng là một mục tiêu hết sức quan trọng và đặt ra những thách thức to lớn đối với ngành NH hiện nay, do NHNN không khẳng định toàn bộ số tín dụng tăng thêm tới 1,1 triệu tỷ đồng đó sẽ được áp dụng theo chính sách hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất thấp hơn. Việc xác định cho vay ở mức lãi suất cụ thể nào nên do các NHTM quyết định, dựa trên các cân nhắc về năng lực tài chính, rủi ro hoạt động, rủi ro pháp lý và tinh thần sẻ chia cùng DN của các NHTM, đặc biệt là đối với DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. NHNN chỉ đưa ra con số về tín dụng hỗ trợ từ 285.000 tỷ đồng lên 300.000 tỷ đồng.

Mặt khác, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành phải giải ngân hết vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 với tổng số vốn gần 700.000 tỷ đồng, tương đương gần 30 tỷ USD, không để dồn lại cuối năm như những năm trước đây. ĐTC năm nay có thể được coi là “ngôi sao hy vọng” của nền kinh tế Việt Nam nếu như nguồn vốn này được giải ngân trọn vẹn trong năm tài khóa 2020. Nhưng, giải ngân hết được đúng theo chỉ tiêu, kế hoạch mà không hiệu quả, để lại những công trình dở dang, công trình không mang lại hiệu quả, tạo những kẽ hở cho sự lãng phí, tham nhũng thì thậm chí sẽ mang lại những hệ lụy rất nghiêm trọng cho nền kinh tế. Vốn ĐTC cần tập trung tháo gỡ được những điểm nghẽn của nền kinh tế, đặc biệt là các dự án (DA) cơ sở hạ tầng như sân bay, bến cảng, đường sá, cao tốc, những cơ sở về giáo dục đào tạo, y tế. Đây có thể là thời điểm vàng để chúng ta đẩy nhanh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và điều kiện logistics tốt hơn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong những năm kế tiếp.

Đặc biệt, cần hình thành cơ chế để nâng cao sức lan tỏa của nguồn vốn ĐTC. Sự lan tỏa không chỉ có ý nghĩa từ những tác động kinh tế - xã hội của chính công trình được đầu tư mà bằng chính quá trình triển khai thực hiện nguồn vốn ĐTC đó. Các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa trong khu vực tư nhân, nên được tham gia triển khai DA với tư cách là nhà thầu chính, hoặc thầu phụ, hoặc các nhà cung cấp. Mức độ tham gia của các DN tư nhân trong nước vào các DA ĐTC nên được coi là một tiêu chí khi triển khai các DA ĐTC trong năm nay và trong những năm sắp tới.

Theo ông Bình, chắc chắn ngân sách Nhà nước năm nay sẽ chịu nhiều áp lực và có nguy cơ thâm hụt nhiều hơn so những năm trước. Sự sụt giảm nguồn thu trong khi hạn chế vay nợ hoặc không thể vay nợ sẽ gây áp lực lên lạm phát do phải bảo đảm cung tiền để đáp ứng nhu cầu chi. Đó là kịch bản rất xấu và chắc chắn Việt Nam không thể để nó xảy ra. Lạm phát cao trong bối cảnh hiện nay là điều vô cùng tồi tệ vì nó ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến thu nhập và sinh kế của người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp và tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, các quyết định đầu tư. Vì thế, Chính phủ sẽ có những biện pháp điều chỉnh linh hoạt, tùy vào tình hình, không hoàn toàn chỉ áp dụng một biện pháp duy nhất để tránh thâm hụt ngân sách, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Việc hấp thụ nguồn tín dụng tăng thêm hoàn toàn phụ thuộc khả năng phục hồi và tăng trưởng của khu vực DN trong tám tháng còn lại của năm 2020. Với những kinh nghiệm vượt bão trong những thập kỷ vừa qua, chắc chắn các DN Việt Nam sẽ làm được và sẽ vượt qua những khó khăn này.