Sẵn sàng các phương án tiêu thụ vải thiều

Chỉ còn khoảng một tháng nữa, vải thiều Bắc Giang sẽ bước vào vụ thu hoạch chính vụ. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Bắc Giang đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, vật lực cũng như các phương án tiêu thụ vải thiều an toàn, kể cả trong thời điểm đỉnh dịch.

Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang kiểm tra quy trình chăm sóc vải thiều Lục Ngạn.
Đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang kiểm tra quy trình chăm sóc vải thiều Lục Ngạn.

1. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, năm nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 28.000 ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn. Trong đó, hơn 200 ha vải xuất khẩu (XK) sang Nhật Bản với 30 mã vùng; 218 ha XK sang: Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) với 18 mã vùng và 15.867 ha XK sang Trung Quốc gồm 149 mã vùng. Tất cả diện tích này đều được hướng dẫn, kiểm soát quá trình chăm sóc và làm truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, để chủ động nguồn hàng XK sang thị trường Nhật Bản, ngay từ đầu năm đã có thêm 11 mã số vùng trồng, qua đó nâng tổng số vải thiều XK sang Nhật Bản lên 30 mã với 260 hộ tham gia, tổng diện tích 219,45 ha.

Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, những hộ dân trồng vải tại huyện Lục Ngạn, nơi được coi là “thủ phủ” vải thiều Bắc Giang không khỏi thắc thỏm, lo lắng vì chỉ còn vài ngày nữa là vải sớm được thu hoạch, lo sẽ không có người mua, lo bị ép giá, mất giá.

Bà Hoàng Thị Hằng (xã Thanh Hải, Lục Ngạn) chia sẻ, năm nay vải được mùa nhưng chúng tôi lo lắm. Vải sắp vào vụ thu hoạch mà dịch bệnh lại đang lan rộng. Nếu không có người thu mua vải, có khi lại “được mùa nhưng mất giá”. Rồi lại “ép giá lùi cân”, thật sự lo lắng lắm. Cả năm trông vào vụ vải thiều để có tiền trả nợ, nếu không bán được biết sẽ ra sao? Mong các cấp chính quyền sớm có phương án hợp lý để hỗ trợ người dân trồng vải.

Cùng nỗi lo này, theo anh Nguyễn Văn Công (phố Kim, Phượng Sơn, Lục Ngạn), diễn biến dịch bệnh thì ngày một phức tạp hơn, đang khoanh vùng cách ly nhiều nơi. Ngoài tập trung chăm bón để có được những trái vải thiều chất lượng nhất có thể, cứ dịch bệnh như này, chúng tôi chỉ mong nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và các doanh nghiệp (DN) để chúng tôi an tâm hơn.

Chia sẻ nỗi lo của bà con, theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn, tỉnh đã chuẩn bị xây dựng kế hoạch cho chế biến và xúc tiến để tiêu thụ vải thiều từ rất sớm. Ngoài các phương án đối với vải thiều XK, tất cả các DN, trung tâm thương mại, các chợ đầu mối có mối quan hệ bạn hàng với tỉnh trong những năm qua đã phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh để tạo ra chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, sẵn sàng hỗ trợ bà con trồng vải thiều.

2. Về phía huyện Lục Ngạn - “thủ phủ” vải thiều của tỉnh Bắc Giang, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi, năm 2021, tổng diện tích trồng vải toàn huyện là 15.450 ha, sản lượng ước đạt 120.000 tấn. Do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp, UBND huyện Lục Ngạn cũng đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều với hai phương án. Cụ thể, phương án một: Tình hình dịch trong nước vẫn còn nhưng được kiểm soát, các hoạt động giao thương được trở lại bình thường. Dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 114.000 tấn, trong đó: tiêu thụ trong nước: 51.000 tấn, XK: 53.000 tấn; chế biến sấy khô, nước ép, đóng hộp khoảng 6.000 tấn. Phương án hai: Tình hình dịch trong nước tiếp tục diễn ra phức tạp, dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 95.000 tấn, trong đó, tiêu thụ trong nước: 60.000 tấn, XK: 35.000 tấn; tiêu thụ bằng hình thức khác: 25.000 tấn. Đến thời điểm này, địa phương đã sẵn sàng các phương án ứng phó những diễn biến bất thường của tình hình thị trường và dịch bệnh.

Tại buổi kiểm tra tình hình sản xuất và công tác chuẩn bị tiêu thụ vải thiều ở huyện Lục Ngạn diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho rằng, Lục Ngạn cần triển khai song song hai phương án tiêu thụ vải. Trong đó, tập trung cao cho phương án hai, quan tâm thị trường trong nước, sấy khô vải… bởi dịch bệnh diễn biến khó lường. Yêu cầu Sở Công thương tham mưu giúp Lục Ngạn triển khai thật tốt phương án này.

Đồng thời, ông Phan Thế Tuấn yêu cầu, huyện Lục Ngạn cần bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ các ngành chức năng, DN xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giao thông thông suốt. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp các địa phương có cửa khẩu như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai…, các cửa khẩu, các ban quản lý của cửa khẩu, cục hải quan để điều kiện thuận lợi nhất như: tăng thời gian thông quan; mở “cung đường xanh”, đường riêng để cho quả vải đi riêng… nhằm bảo đảm cho mùa vụ vải thiều 2021 diễn ra thuận lợi nhất. 

UBND tỉnh Bắc Giang cũng vừa ban hành Kế hoạch tổ chức chuỗi các sự kiện hội nghị, diễn đàn, lễ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch và xúc tiến tiêu thụ nông sản chủ lực, đặc trưng; vải thiều năm 2021. Cụ thể, ngày 8-6-2021 tới, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với các điểm cầu trong và ngoài nước. Đặc biệt, năm nay ngoài bốn điểm cầu trực tuyến đặt tại tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), còn mở thêm nhiều điểm cầu trực tuyến tại: Nhật Bản, Australia và Singapore... Ngoài XK, Bắc Giang cũng chú trọng thị trường trong nước, quyết tâm đưa quả vải thiều vào tất cả các hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ trong cả nước.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) vừa đồng ý cho 164 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam, đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, đàm phán và thu mua vải thiều. Các thương nhân này phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 đúng quy định như: Phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 do cơ sở y tế có thẩm quyền của Trung Quốc cấp trong thời gian ba ngày; cách ly tập trung theo đúng quy định (không có trường hợp ngoại lệ) và được xét nghiệm hai lần khi vào và trước khi ra khỏi khu cách ly tập trung.