Phương án mở lại một số đường bay quốc tế

Trên tinh thần “chung sống an toàn với dịch”, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo) về phương án khôi phục các đường bay quốc tế vận chuyển khách vào Việt Nam. Dự kiến, sáu đường bay sẽ được khai thác trở lại trong tháng 9 gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia.

Việc mở lại các đường bay sẽ được thực hiện thận trọng, từng bước và đúc kết kinh nghiệm để triển khai.
Việc mở lại các đường bay sẽ được thực hiện thận trọng, từng bước và đúc kết kinh nghiệm để triển khai.

Bảo đảm an toàn cho người dân

Nhằm giải quyết khó khăn cho ngành hàng không và cứu vãn nền kinh tế, đến nay đã có nhiều quốc gia quyết định mở lại các đường bay quốc tế. Với nhiệm vụ bảo đảm mục tiêu kép vừa tổ chức phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, Việt Nam cũng đang lên phương án chặt chẽ để từng bước mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế.

Trong công văn hỏa tốc báo cáo Ban Chỉ đạo về phương án khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ vận chuyển khách vào Việt Nam, Bộ GTVT đề xuất, từ ngày 15-9 sẽ bắt đầu triển khai các đường bay với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; từ ngày 22-9 sẽ mở lại các đường bay với Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, Lào.

Phương án khôi phục bảo đảm nguyên tắc các chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam phân bổ đều các ngày trong tuần, hạn chế thấp nhất trường hợp có hai chuyến hạ cánh mỗi ngày tại một điểm. Tổng hợp các đường bay, dự kiến số lượng hành khách nhập cảnh hằng tuần tại Hà Nội nhiều nhất 2.200 khách/tuần; tại TP Hồ Chí Minh nhiều nhất 2.450 khách/tuần; tại TP Cần Thơ nhiều nhất 400 khách/tuần. Tổng cộng dự kiến lượng khách nhập cảnh cả nước trên các chuyến bay thương mại này nhiều nhất là 5.050 khách/tuần. Ngoài những trường hợp là nhà ngoại giao, công vụ, việc xuất nhập cảnh còn được áp dụng với công dân Việt Nam có nhu cầu về nước; công dân Việt Nam đi lao động tại các nước (trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc); người nước ngoài là chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư, nhân viên các dự án trọng điểm. 

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trên cơ sở năng lực cách ly của các địa phương, Bộ GTVT đưa ra tần suất bay một tuần/chuyến/quốc gia và chuyến bay chiều ngược lại. Quy trình kiểm dịch hiện đã có nhiều văn bản của Ban Chỉ đạo đối với công dân Việt Nam, đối với các chuyên gia nước ngoài sẽ được áp dụng để bảo đảm chống dịch… Bộ GTVT cũng đã thảo luận với các nhà chức trách hàng không, các hãng bay để có thể đưa ra giải pháp tốt nhất. 

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho hay, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ thống nhất mở lại đường bay quốc tế từ ngày 15-9 và đã bàn kỹ các phương án để bảo đảm an toàn cho người dân.

“Các biện pháp cách ly đã được tính toán kỹ, chúng tôi tin tưởng sau khi mở đường bay, chúng ta vừa bảo đảm an toàn cho người dân về vấn đề cách ly, vừa bảo đảm phát triển, tránh đứt gãy nền kinh tế”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường khẳng định.

Triển khai thận trọng, từng bước

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nguyên tắc là mở đường bay tới các nước đã kiểm soát dịch khá tốt và tương đồng với Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu của thị trường quốc tế, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các nước, tinh thần phải bảo đảm mục tiêu kép mà Thủ tướng đã đề ra. Do vậy, việc mở đường bay sẽ thực hiện thận trọng, từng bước và đúc kết kinh nghiệm để triển khai. Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo, tuy nhiên các bộ khác chưa có ý kiến và chưa đưa ra giải pháp cụ thể. Thực tế, cần phải tính toán về đối tượng, tần suất và dứt khoát khách lên máy bay phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, khi nhập cảnh phải được kiểm soát. Ngay cả vấn đề cách ly cũng phải xem xét cho phù hợp.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu thí dụ, vừa qua Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã quyết định cho nhập cảnh đối với một Phó Chủ tịch của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) sang làm việc tại Việt Nam năm ngày. Mặc dù không đặt vấn đề cách ly, nhưng vị này phải ở khách sạn được xét nghiệm âm tính ở trong nước và sang Việt Nam vẫn phải xét nghiệm lại, đến ngày thứ hai mới được thực hiện các hoạt động công vụ theo lịch trình. Trong quá trình đó, người này vẫn phải bảo đảm các giải pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, không tiếp xúc gần...

Để có thể triển khai kế hoạch khai thác các chuyến bay thường lệ chở khách quốc tế, Bộ GTVT đề nghị Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng về việc chỉ đạo Bộ Y tế: Công bố các yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc như: kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, cài đặt Bluezone... đối với hành khách từ trước khi lên máy bay, trên máy bay, xuống máy bay, khi nhập cảnh… đến phân luồng để vào khu cách ly; công bố danh sách phòng xét nghiệm real-time PCR do Chính phủ Việt Nam phê duyệt để thông báo các đối tác, hành khách; công bố các tiêu chí đối với các nơi có hệ số an toàn cao để có thể tổ chức các chuyến bay thương mại quốc tế; hướng dẫn việc thu phí đối với người cách ly tại các cơ sở cách ly; Bộ Quốc phòng cho ý kiến về khả năng đáp ứng cách ly tập trung đối với công dân Việt Nam về nước tại các địa phương. Bộ Ngoại giao liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để thông báo trước cho hành khách về những điều kiện bắt buộc của Việt Nam đối với người muốn nhập cảnh Việt Nam. Bộ Công an nghiên cứu, xem xét điều chỉnh chính sách nhập cảnh đối với hành khách có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam. UBND các địa phương (lân cận TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) công bố các cơ sở dùng để cách ly đồng thời chuẩn bị khu cách ly tập trung ngoài những khu cách ly của lực lượng quân đội.