Phòng tránh rủi ro khi xuất khẩu online

Hiện Việt Nam có hơn 700.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, nhưng chỉ khoảng hơn 1.000 DN, cá nhân kinh doanh tham gia hình thức xuất khẩu (XK) qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) trên thế giới. Thực tế, việc đưa hàng lên các chợ online toàn cầu này không đơn giản vì cần có những quy trình, tiêu chuẩn nhất định về chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu. Hơn nữa, bán hàng theo kênh truyền thống rủi ro một, bán hàng online rủi ro gấp nhiều lần.

Hội thảo Xuất khẩu trực tuyến trong kỷ nguyên số tổ chức mới đây với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà phân tích đầu ngành. Ảnh: HỒNG VÂN
Hội thảo Xuất khẩu trực tuyến trong kỷ nguyên số tổ chức mới đây với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà phân tích đầu ngành. Ảnh: HỒNG VÂN

Đánh giá về tình hình XK bốn tháng cuối năm 2019, Bộ Công thương cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro gia tăng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang kết hợp sự xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm gia tăng những lo ngại về sự suy giảm của kinh tế toàn cầu, XK hàng hóa khó có thể tăng mạnh như năm 2017 và 2018. Việc đẩy mạnh XK hàng hóa Việt Nam qua các sàn TMĐT thế giới được xem là giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh bất ổn thương mại.

Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam, thủy sản là một trong những mặt hàng đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang bán hàng online ở Trung Quốc. Hiện nay, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt trên sàn Alibaba của Trung Quốc và nhiều DN nước này cũng chuộng việc mua bán trên sàn TMĐT. Vì vậy, nếu DN Việt Nam chú trọng kênh bán hàng online sẽ là cơ hội để đẩy mạnh XK, thay vì tập trung XK tiểu ngạch.

Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết, TMĐT xuyên biên giới đã trở thành một kênh quan trọng cho việc XK. Việc gia nhập những nền tảng TMĐT B2B giúp DN XK tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới, giảm chi phí liên quan đến việc xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu.

Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú dự báo, TMĐT xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3.300 tỷ USD trong hai năm tới. Do đó, XK qua môi trường này là xu thế tất yếu và cũng là phương thức nhanh nhất giúp DN có được đơn hàng. Hiện nay, một số sàn TMĐT thuộc top dẫn đầu thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Qua các sàn TMĐT lớn, DN Việt Nam có thể quảng bá sản phẩm tới 260 triệu DN mua hàng tại 240 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong vài năm tới, kim ngạch XK qua chợ online toàn cầu có thể vượt kim ngạch XK theo cách thông thường, việc người Việt Nam có thể bán hàng trực tiếp cho người dân Mỹ sẽ không còn là câu chuyện xa lạ.

Thời gian qua, những mặt hàng bình dân của Việt Nam như chổi đót, nón lá, các sản phẩm mây tre đan… được bán trên một số sàn TMĐT thế giới với giá gấp nhiều lần đang cho thấy tiềm năng hấp dẫn từ phương thức bán hàng này. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít câu chuyện thành công, Việt Nam vẫn còn rất nhiều sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản có thể áp dụng. Dù các sàn TMĐT lớn trên thế giới hiện đã có mặt ở Việt Nam, đang nỗ lực kéo các DN và cá nhân kinh doanh tham gia hình thức XK này thông qua các chương trình hợp tác, đào tạo nhưng mới có khoảng 1.000 DN tham gia trên Alibaba và khoảng 200 DN tham gia trên Amazon. Con số này vẫn quá nhỏ so hơn 700.000 DN đang hoạt động, trong đó 98% là DN nhỏ và vừa.

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), hiện mới có khoảng 11% DN Việt Nam tham gia các sàn TMĐT, 35% DN thiết lập được quan hệ với đối tác nước ngoài thông qua kênh trực tuyến. Đáng chú ý, trong vòng 5 năm qua, số DN sở hữu website TMĐT lại có chiều hướng giảm nhẹ. Lý do là việc đầu tư website không khó, chi phí cũng rẻ nhưng để duy trì website hoạt động hiệu quả, thường xuyên và lâu dài cần sự đầu tư thích đáng và phải có tương tác thường xuyên với người dùng. Thực tế cho thấy mấu chốt của việc DN chưa thể đẩy mạnh XK qua TMĐT do kỹ năng của DN còn hạn chế. Một số DN chỉ có vài người ra vào sàn TMĐT nên chưa biết đến các cách thức marketing, bán hàng. Ngay cả những DN lớn cũng gặp phải nhiều khó khăn.

Các chuyên gia cho rằng, DN Việt Nam nên “bắt tay” với các trang TMĐT uy tín trên thế giới để mở rộng kênh bán hàng của mình, nhưng để có thể thành công, DN Việt Nam phải cố gắng rất nhiều. Bắt đầu từ những việc tưởng chừng đơn giản như thiết kế gian hàng của mình một cách hấp dẫn, tuân thủ nghiêm ngặt về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đặc biệt là trau dồi ngôn ngữ…

Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng, việc tìm kiếm cơ hội bán hàng trực tuyến trên các nền tảng bán lẻ trực tuyến toàn cầu là một cơ hội tốt. Khi đưa hàng hóa lên các trang web bán lẻ toàn cầu, các DN Việt Nam sẽ có cơ hội tập tành cung cấp hàng trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, việc đưa hàng lên các chợ online toàn cầu cũng không đơn giản vì cần có những quy trình, tiêu chuẩn nhất định về chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu. Hơn nữa, bán hàng theo kênh truyền thống rủi ro một, bán hàng online rủi ro gấp nhiều lần. Bởi vậy, các DN phải biết quản trị rủi ro để tránh bị thiệt hại. Những vấn đề DN cần lưu ý là đầu tư kiểm soát nội dung chi tiết trong hợp đồng để có thể bảo vệ người bán cũng như người mua ngay từ đầu. Ngoài ra, DN cần chú ý phân tích sản phẩm và đích đến của lô hàng để lựa chọn công ty vận chuyển phù hợp, đồng thời mua bảo hiểm XK để đề phòng rủi ro xảy ra.