Ngân hàng & “cuộc chơi” thời Fintech

Từ đầu năm 2018, làn sóng công ty công nghệ trong tài chính (Fintech) và ngân hàng (NH) số xuất hiện trong khu vực và tại Việt Nam. Đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), ngành NH nói chung và từng NH nói riêng phải thay đổi để thích ứng nếu không muốn đánh mất vai trò, chức năng và uy tín như một nhà cung ứng dịch vụ tài chính toàn diện, tín nhiệm đối với khách hàng.

Để giữ vai trò của nhà cung ứng dịch vụ tài chính toàn diện, các ngân hàng phải thay đổi để thích ứng.
Để giữ vai trò của nhà cung ứng dịch vụ tài chính toàn diện, các ngân hàng phải thay đổi để thích ứng.

CMCN 4.0 đang dần làm thay đổi diện mạo của thị trường thanh toán điện tử Việt Nam. Không còn độc quyền như trước đây, các NH đang phải cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp (DN) Fintech. Đây thật sự trở thành bài toán nan giải của các NH khi các Fintech đã đáp ứng hầu hết dịch vụ tài chính từ NH như: gửi tiết kiệm, rút tiền, chuyển tiền, thanh toán… Thậm chí, khách hàng có thể tiếp cận hầu hết dịch vụ tài chính với chi phí rẻ hơn, dễ dàng hơn, mà không cần đến NH.

Thời gian qua, rất nhiều Fintech “ngoại” đã “đặt chân” vào thị trường Việt Nam, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như: Alipay, Wechat Pay, Apple Pay… Đây là những “đối thủ” đáng gờm không chỉ đối với Fintech trong nước, mà cả NH. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dù được đánh giá là thị trường có tiềm năng và đang trên đà phát triển, tuy nhiên, số lượng các đơn vị Fintech Việt Nam hiện nay hoạt động ở mức ổn định chiếm tỷ lệ rất thấp. Phần lớn đơn vị Fintech được cấp phép hiện chưa sống được bằng giao dịch của mình, chỉ khoảng 5/25 đơn vị có thu nhập, có lãi, còn lại đều chưa đáp ứng được.

Trong khi đó, theo ông Varun Mital, lãnh đạo cao cấp Fintech của Công ty Kiểm toán Ernst & Young (EY), các startup tại Việt Nam đang đầu tư nhiều cho lĩnh vực Fintech với tổng vốn 129 triệu USD. Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng bậc nhất cho các Fintech phát triển nhờ có tỷ lệ dân số ở độ tuổi vàng cao, đây cũng là độ tuổi sử dụng điện thoại thông minh chiếm phần lớn, tăng trưởng tiêu dùng cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp… Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rất quan tâm, muốn tham gia, thậm chí họ có ý định mua lại một số Fintech tốt bởi tiềm năng thị trường rất lớn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, thị phần vẫn nằm trong tay các NH, Fintech Việt Nam. Tuy nhiên, với chiến lược tiến công mạnh mẽ và đa dạng của các Fintech “ngoại”, “miếng bánh” thị phần này có thể rơi vào tay Fintech “ngoại” bất cứ lúc nào nếu các DN trong nước không lớn mạnh để đủ sức cạnh tranh.

Tại Diễn đàn Fintech Việt Nam năm 2018 do NHNN tổ chức, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, từ năm 2008, NHNN đã nghiên cứu và cho phép nhiều DN cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở thí điểm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường. Sau khi thiết lập khuôn khổ pháp lý tương đối rõ ràng, đến nay đã có 27 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép hoạt động. Xu thế hợp tác này ngày càng trở nên rõ nét trong vài năm gần đây vì đó là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Mối quan hệ hợp tác giữa NH và Fintech giúp duy trì và phát triển hệ thống tài chính - NH hiện đại với những sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo, đáp ứng sự kỳ vọng ngày càng cao từ khách hàng. Sự phát triển của Fintech và việc hợp tác giữa Fintech và NH được coi là tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính - NH cho người sử dụng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để liên minh này hoạt động một cách hiệu quả, tại diễn đàn, các DN Fintech và NH kiến nghị, điều cần nhất hiện nay trong cuộc chạy đua với Fintech “ngoại” là hành lang pháp lý cho Fintech phải hoàn thiện.

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, Fintech có một vị trí quan trọng đối với hệ thống tài chính - ngân hàng của Việt Nam trong “kỷ nguyên số”. Sự hợp tác của Fintech và NH có thể đóng góp vào mục tiêu mở rộng phổ cập tài chính, xóa đói, giảm nghèo, tăng cường công bằng xã hội và phát triển kinh tế bền vững. NHNN đã và đang chủ động trong việc tiếp cận vấn đề và đối thoại với các DN trong lĩnh vực Fintech để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho các đơn vị này gia nhập thị trường. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động của các DN Fintech trong lĩnh vực NH, bổ sung, sửa đổi quy định của ngành NH để tương thích, phù hợp hơn với xu hướng phát triển của Fintech. Đối với những giải pháp, nghiệp vụ mới của các Fintech mà khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa quy định, NHNN có kế hoạch nghiên cứu, áp dụng cách thức quản lý theo khuôn khổ pháp lý thử nghiệm có kiểm soát phù hợp thực tiễn, thông lệ quốc tế, tiến tới việc ban hành khuôn khổ pháp lý và quản lý chính thức.

Ông Dominic Mellor, chuyên viên đầu tư cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, ADB luôn sẵn sàng hỗ trợ NHNN ở cả hai mục tiêu là khuyến khích phát triển Fintech cũng như hoàn thiện hành lang pháp lý. Việt Nam đang có những lợi thế lớn, đặc biệt là về công nghệ thông tin, để từ đó làm nền tảng phát triển Fintech nhằm hướng tới mục tiêu phổ cập tài chính.