Ngăn chặn chuyển giá, trốn thuế

Mới đây, cơ quan thuế tiếp tục ra quyết định truy thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế của nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như: Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca Cola Việt Nam), Heineken Asia Pacific, Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered… Thực tế này đã đặt ra yêu cầu cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nữa để chống chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu ngân sách.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế sẽ là giải pháp được ngành thuế tăng cường trong thời gian tới. Ảnh: LAM ANH
Hoạt động thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế sẽ là giải pháp được ngành thuế tăng cường trong thời gian tới. Ảnh: LAM ANH

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, năm 2019, ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra 816 DN có hoạt động giao dịch liên kết, truy thu, truy hoàn và phạt 1.719 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 7.000 tỷ đồng, giảm khấu trừ hơn 334 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập không chịu thuế hơn 7.500 tỷ đồng. Tổng cục Thuế đã thanh tra tại một số DN như: Coca - Cola Việt Nam, truy thu và phạt hơn 821,4 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered, truy thu và phạt 19,05 tỷ đồng. Cục thuế TP Hồ Chí Minh cũng thanh tra chi nhánh Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, truy thu và phạt 43,41 tỷ đồng; Công ty Phú Hoàng Oanh bị truy thu và phạt 26,62 tỷ đồng…

Đặc biệt, Thanh tra Tổng cục Thuế cũng đã công bố kết quả vụ việc thanh tra hoạt động chuyển nhượng vốn của Công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam (Heineken Việt Nam), truy thu và phạt hơn 917,2 tỷ đồng tiền thuế và tiền chậm nộp vào ngân sách và DN đã chấp hành; Công ty Holcim Việt Nam bị truy thu 1.800 tỷ đồng…

Đại diện Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết, về cơ bản, chuyển giá là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn hay nhóm liên kết không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các tập đoàn hay nhóm liên kết. Hay việc các thành viên trong tập đoàn cấu kết với nhau để nâng giá vật tư, thiết bị đầu vào, kéo giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ để không phải đóng thuế.

Thực tế, hoạt động chuyển giá, trốn thuế không chỉ dừng lại ở DN FDI, các DN trong nước hiện nay cũng đang thực hiện chuyển giá để “né” thuế. Dù không báo lỗ liên tục như các DN FDI nhưng cũng khiến ngân sách nhà nước thất thu. Đơn cử, Asanzo đã sử dụng các công ty do người lao động của Asanzo làm đại diện để thực hiện các hành vi mua bán thiết bị nhằm gia tăng giá trị. Ngoài ra, DN này có dấu hiệu ghi cao hơn giá trị giao dịch với mục đích trốn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN…

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thuế, chuyển giá là hiện tượng tự nhiên, xảy ra ở cả các công ty đa quốc gia khi vào Việt Nam cũng như cả các công ty trong nước. Tuy nhiên, cần làm rõ những hoạt động chuyển giá như thế nào là đúng quy định, như thế nào là chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận về nơi có chế độ thuế thấp hơn để lợi dụng tránh thuế.

Đơn cử vụ việc từ cuối năm 2018, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) có ký hợp đồng chuyển nhượng vốn 100% cổ phần tại Heineken Việt Nam - Hà Nội cho Heineken Việt Nam. Giá trị giao dịch này lên đến hơn 4.800 tỷ đồng. Phía Heineken Việt Nam đã nộp tờ khai thuế thu nhập DN (nộp thay) từ giá trị chuyển nhượng nói trên là hơn 823 tỷ đồng.

Qua thanh tra, Vụ Thanh tra - Kiểm tra thuế kết luận, giá trị bất động sản trên tổng tài sản chiếm hơn 50%. Do đó, Heineken Việt Nam có nghĩa vụ nộp số thuế trên tại Việt Nam. Từ cuối tháng 12-2019, ngay sau khi Tổng cục Thuế ban hành kết luận thanh tra, Heineken Việt Nam đã nghiêm chỉnh thực hiện nộp 917,2 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách; trong đó, số thuế chuyển nhượng là gần 823 tỷ đồng và phần còn lại là tiền chậm nộp của DN.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nên có cơ quan điều tra về thuế để điều tra các nghi án trốn thuế, chuyển giá, các DN kê khai lỗ liên tục… Với những DN chuyển giá, trốn thuế, ngành thuế nên đưa vào diện thường xuyên kiểm tra, công bố rộng rãi sẽ tạo dư luận xã hội. Các tập đoàn đa quốc gia cũng tự có sự điều chỉnh vì thấy rằng nếu để những sự việc như vậy xảy ra thì uy tín cũng mất.

Về phía DN bị truy thu thuế và xử phạt, theo ông Peeyush Sharma, Tổng Giám đốc Coca - Cola Việt Nam, DN đã tích cực hợp tác với Tổng cục Thuế, và sẽ hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ được yêu cầu. Coca - Cola Việt Nam cam kết bảo đảm tuân thủ đầy đủ mọi yêu cầu và nghĩa vụ thuế tại địa phương. Coca - Cola Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của việc đáp ứng các yêu cầu về thuế và luôn cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế với Việt Nam.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Coca - Cola Việt Nam đã nộp số tiền thuế gốc hơn 471 tỷ đồng. Trong đó, số thuế giá trị gia tăng bị truy thu là hơn 60 tỷ đồng, thuế thu nhập DN hơn 359 tỷ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 52 tỷ đồng. Còn số tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, chưa nộp, hiện Coca - Cola Việt Nam đang tiếp tục thực hiện. Đây là đợt thanh tra kéo dài chín năm (từ năm 2007 - 2015) với nhiều sắc thuế khác nhau, nên số tiền cộng lại của DN lớn.

Tại hội nghị triển khai công tác thuế năm 2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, trong năm 2020, ngành thuế sẽ tập trung thanh tra các DN có giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn, DN FDI có phát sinh lỗ nhiều năm nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; các tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ. Để chống chuyển giá, Việt Nam sẽ ban hành luật trong thời gian sắp tới. Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết. Đây là cơ sở để cơ quan thuế chỉ rõ, điểm mặt các DN FDI có hành vi lẩn tránh thuế, trốn thuế chứ không chỉ là nghi vấn như trước.