Mở cửa thị trường tài chính hợp lý & thận trọng

Trong bối cảnh Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu - EU (EVFTA), “bức tranh” ngành tài chính và thị trường tài chính (TTTC) Việt Nam sẽ có những thay đổi cơ bản. Bởi mức độ mở cửa TT trong lĩnh vực TC hiện nay còn ở mức khiêm tốn sẽ làm giảm cơ hội hợp tác với các đối tác lớn tại EU. Do đó, cần mở rộng TT, nhưng kèm theo những biện pháp quản lý chặt chẽ và thận trọng.

Các doanh nghiệp tài chính cần nâng cao chất lượng các dịch vụ cung cấp, thiết kế và phù hợp yêu cầu khách hàng. Ảnh:NAM ANH
Các doanh nghiệp tài chính cần nâng cao chất lượng các dịch vụ cung cấp, thiết kế và phù hợp yêu cầu khách hàng. Ảnh:NAM ANH

Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) ngành TC có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, doanh thu và lợi nhuận. Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có khoảng 388 DN, tổ chức được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực TC, trong đó có 64 đơn vị kinh doanh bảo hiểm (BH), 126 ngân hàng (NH), tổ chức tín dụng (TCTD) phi NH và 198 tổ chức chứng khoán (CK). Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng của ngành TC nhờ vào xu hướng mới trong tiêu dùng của dân cư. Theo đó, người dân chi tiêu mạnh hơn cho các dịch vụ BH, vay tiêu dùng, mua trả góp, thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử…

Xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt là vào đầu năm 2020, khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Ngành TC sẽ mở cửa rộng hơn theo cam kết, nhiều DN nước ngoài sẽ mang theo các dịch vụ hiện đại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân.

Phân tích về tác động của EVFTA với ngành TC tại Hội thảo “Ngành TC - Viễn thông Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ EVFTA”, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, cạnh tranh trên TT dịch vụ TC sẽ giúp người tiêu dùng, DN và cả nền kinh tế được hưởng lợi. Đây cũng là nhân tố để các DN Việt Nam giảm chi phí vốn, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình và của cả nền kinh tế. Tuy tác động trực tiếp của các cam kết mở cửa dịch vụ TC trong EVFTA ở TT Việt Nam cơ bản là không đáng kể, nhưng tác động gián tiếp lại rất lớn.

Theo đánh giá của Trung tâm WTO và Hội nhập, những cam kết của EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2023 tăng thêm khoảng 2,18 - 3,25%, trong giai đoạn từ năm 2024 - 2028 tăng 4,57 - 5,3% và trong giai đoạn năm 2029 - 2033 tăng 7,07 - 7,72%. Ngành NH và BH cũng sẽ tăng giá trị xuất khẩu khoảng 21% so thời điểm trước khi có EVFTA. Ngoài ra, tác động gián tiếp mà EVFTA mang đến sẽ làm gia tăng nhu cầu dịch vụ; giúp cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) theo hướng ổn định hơn, từ đó kéo theo cơ hội đầu tư tại các nền kinh tế thuộc EU và cơ hội hợp tác với các đối tác EU.

Dưới góc độ chính sách, các chuyên gia đến từ Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, cần phải xóa bỏ các rào cản chính sách, tạo MTKD thuận lợi cho các DN. Ngoài ra, Việt Nam đang sử dụng biện pháp quản lý TTTC rất chặt chẽ, căn cứ vào quy định nội địa vì “lý do thận trọng”, nên về tổng thể, TT dịch vụ TC Việt Nam chưa thật sự mở. Điều này giúp cho các ngành dịch vụ TC trong nước tạo dựng một vị trí nhất định trong cạnh tranh trên TT trong nước. Tuy nhiên, cách thức này cũng làm giảm áp lực thay đổi, phát triển của DN Việt Nam. Việc hạn chế mở cửa cũng làm giảm cơ hội hợp tác với các đối tác mạnh trong việc cung cấp dịch vụ TC trong nước, cũng như vươn ra TT nước ngoài. Do đó, Chính phủ cần có tiến trình mở cửa, tự do hóa một cách hợp lý các dịch vụ TC.

Thực tế, EU là một trung tâm TC lớn của thế giới, các DN thuộc EU là nhà xuất khẩu, đầu tư dịch vụ TC hàng đầu. Do đó, việc hợp tác với các đối tác EU sẽ giúp các DN Việt Nam cải thiện chuyên môn, công nghệ, quản trị năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, việc tận dụng các cơ hội này phụ thuộc lớn vào sự chủ động, hành động nắm bắt cơ hội của các DN Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang nhận định, những thách thức từ EVFTA đối với ngành TC Việt Nam là không đáng kể, bởi ngành TC sẽ chỉ mở thêm duy nhất dịch vụ nhượng tái BH và mức cam kết sẽ không có gì thay đổi trong vòng 5 năm đầu. Sau đó, mức độ mở cửa sẽ cao hơn cam kết WTO về mức vốn nước ngoài trong liên doanh và dịch vụ giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng mở cho DN 100% vốn nước ngoài. Ngành TC sẽ đứng trước những áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong bối cảnh hội nhập FTA. Khi có nhiều nhà cung cấp dịch vụ TC đến từ EU đầu tư tại Việt Nam hoặc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt. Nếu DN trong nước không thay đổi bắt kịp xu hướng, sẽ đánh mất thị phần vào DN nước ngoài.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng, trong EVFTA, cam kết liên quan dịch vụ TC nằm trong nhóm có cách thức tiếp cận đặc biệt. Theo đó, một mặt mở cửa tự do hóa ngành này, mặt khác thì đây cũng là dịch vụ nhạy cảm gắn liền với sự ổn định của nền TC kinh tế quốc dân, an ninh thông tin, ảnh hưởng trực tiếp, tức thời tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Do đó, luôn cần có sự kiểm soát thận trọng. Mặt khác, để tận dụng được những cơ hội và vượt qua thách thức của các ngành TC, yêu cầu đặt ra cho các DN là phải chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung cấp, thiết kế và cung cấp dịch vụ phù hợp yêu cầu khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh việc tăng cường ứng dụng công nghệ, NH điện tử và nâng cao các kỹ thuật bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin để đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ.