Lãi suất huy động vốn dài hạn chưa hạ

Trong những tháng gần đây, mặt bằng lãi suất huy động (LSHĐ) liên tục tăng. Điều này cho thấy các ngân hàng thương mại (NHTM) đang có nhu cầu vốn lớn. Chín tháng vừa qua, tăng trưởng tín dụng (TTTD) lại đang chậm lại so cùng kỳ năm trước. Trong khi cơ quan điều hành khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân tiếp cận tín dụng.

Lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại tăng, chủ yếu ở kỳ trung và dài hạn.
Lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại tăng, chủ yếu ở kỳ trung và dài hạn.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20-9-2019, TTTD của nền kinh tế đạt 8,4%, thấp hơn khá nhiều so con số cùng kỳ năm 2018 là 9,52%. LSHĐ tại một số NHTM tăng, chủ yếu ở kỳ trung và dài hạn nhằm bảo đảm sự cân đối kỳ hạn và giới hạn an toàn vốn trong hoạt động NH.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, TTTD đã ở mức cao trong những năm qua. Do đó, việc giảm tỷ lệ này là phù hợp cho nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, mức tăng trưởng 8,58% của chín tháng năm nay không phải là thấp. Việc kiểm soát chất lượng tín dụng còn quan trọng hơn những con số này. Hiện mặt bằng LSHĐ đồng Việt Nam phổ biến ở mức 4,5% - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một đến dưới sáu tháng; 5,5% - 6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ sáu tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6% - 7,5%/năm.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phát đi thông điệp khi hạ một loạt LSĐH, nhưng cuộc cạnh tranh huy động vốn dài hạn vẫn nóng với lãi suất chưa hạ. Hiện mức LSHĐ cao nhất với kỳ hạn 12 tháng là 8,5%/năm tại ABBank. Một số NHTM quy mô nhỏ khác như: OCB, BacA Bank hiện áp LSHĐ cao nhất ở mức ở 8,1%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Dừng ở mức 8%/năm kỳ hạn 12 tháng là các NHTM: NCB, BaoViet Bank, Bản Việt, SHB… nhưng hầu hết đều có khuyến mãi tăng thêm lãi suất theo số dư tiền gửi, tiết kiệm online, hoặc kỳ hạn dài hơn… Với Nam A Bank, lãi suất 12 tháng là 8,3%/năm nhưng nếu gửi 24 tháng, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi 8,45%/năm, hoặc được cộng thêm mức 1%/năm nếu gửi tiết kiệm online. Cao nhất có lẽ thuộc về NH Bản Việt với LSHĐ 10,2%/năm cho kỳ hạn 60 tháng. Với các kỳ hạn khác 24 - 48 tháng, lãi suất áp dụng của NH này là 9,5 - 10%/năm.

Việc các NHTM nhỏ đẩy lãi suất lên cao, dù là cạnh tranh huy động vốn hay tái cấu trúc nguồn tiền gửi luôn là nguyên nhân chính khiến chênh lệch lãi suất cho vay - huy động ở các NH này thấp hơn đáng kể so NH quy mô lớn, đồng thời đồng nghĩa các chỉ tiêu hiệu quả như: ROE, ROA cũng ở mức thấp trên thị trường (TT). Thực tế diễn biến TT hiện nay, do thanh khoản hệ thống NH vẫn tốt nên yếu tố cạnh tranh huy động là thứ yếu, cả hệ thống NH đang phải nỗ lực huy động vốn tiết kiệm dài hạn để thỏa mãn tỷ lệ yêu cầu của NHNN. Đây cũng là lý do tại sao các NH lớn hơn cũng để mức chênh lệch huy động khá lớn giữa lãi suất kỳ hạn ngắn và dài. Tại MBBank, lãi suất 12 tháng hiện ở mức 7,5%/năm, hay như VietinBank, BIDV tiếp tục giữ lãi suất ở mức 7%/năm…

Diễn biến LSHĐ dài hạn theo chiều hướng tăng là ngược với “thông điệp” của NHNN khi mới đây cơ quan này đã đồng loạt giảm 25 điểm phần trăm cho các loại LSHĐ. Dù tính chất của động thái tăng lãi suất này có “tính kỹ thuật” nhiều hơn chứ không phải lý do thanh khoản, nhưng về dài hạn, việc duy trì lãi suất cao sẽ khiến mặt bằng lãi suất chung TT khó giảm. Chi phí vốn cao của các NH cũng đồng nghĩa kỳ vọng của các DN về khả năng được vay vốn với mức lãi suất thấp hơn chậm xảy ra.

Về hiện tượng các NHTM nhỏ tăng cường hút vốn, PGS, TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, các NHTM nhỏ đang chạy đua huy động để gia tăng nguồn vốn nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn của NHNN. Do chủ trương thắt chặt tín dụng lĩnh vực bất động sản - một trong những lực đẩy quan trọng của TTTD nhiều năm trước - nên TTTD được giữ ở mức vừa phải. Mặt khác, một số DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên giảm vay từ NH hoặc tìm đến các kênh huy động khác.

Từ góc độ khác, theo Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) Đặng Đức Anh, một trong những lý do khiến NHTM phải tăng huy động từ dân cư là do NHNN thắt chặt cung tiền. Nhu cầu cho vay vẫn tăng mà cung tiền giảm nên NHTM buộc phải tăng huy động. Về triển vọng TTTD cả năm nay, nhiều khả năng vẫn đạt con số 14% vì lực đẩy tín dụng sẽ rất mạnh vào những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, NHNN thực hiện chính sách áp trần TTTD đến từng NH. Đây là cách làm hợp lý để cơ quan điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) có thể kiểm soát tốt tỷ lệ TTTD toàn hệ thống.

Cùng quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng, mục tiêu của thắt chặt tín dụng là để bảo đảm ổn định vĩ mô và chú trọng chất lượng tín dụng. Theo tôi, các chỉ tiêu vĩ mô về tiền tệ đều vẫn trong tầm kiểm soát. Đó là một điểm sáng trong điều hành CSTT của NHNN trong năm nay.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, ổn định TT tiền tệ và ngoại hối.