Kỳ vọng vào tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế

Thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) sơ cấp có chiều hướng sôi động tịnh tiến trong bảy tháng đầu năm 2020. Lãi suất hiện đã giảm về mức rất thấp, tạo điều kiện rõ rệt cho việc giảm chi phí vốn cho đầu tư phát triển của Chính phủ. Với quyết tâm và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) kỳ vọng sẽ tăng tốc và khiến cầu huy động trái phiếu tăng.

Nhiều công trình hạ tầng được tích cực triển khai nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: NAM ANH
Nhiều công trình hạ tầng được tích cực triển khai nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: NAM ANH

Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), sau bốn tháng đầu năm 2020 tương đối trầm lắng, khối lượng TPCP trúng thầu trên thị trường sơ cấp tăng mạnh trong hai tháng 5 và 6. Cụ thể, tổng khối lượng trái phiếu huy động thành công trong tháng 5 và tháng 6 đạt gần 51.000 tỷ đồng, trong khi khối lượng phát hành thành công trong bốn tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 36.000 tỷ đồng. Tính chung cho sáu tháng, có hơn 87.000 tỷ đồng được huy động, tương đương 33,5% kế hoạch năm và tất cả đều được phát hành bởi Kho bạc Nhà nước (KBNN). Tỷ lệ trúng thầu đạt 67%, khối lượng đặt thầu gấp 2,67 lần khối lượng gọi thầu. Thị trường TPCP sơ cấp tiếp tục cho thấy sự sôi động trong tháng 7. Theo thống kê trên HNX, tổng giá trị trúng thầu TPCP đạt tới gần 58.700 tỷ đồng. Như vậy, riêng trong tháng 7, giá trị trúng thầu đã bằng 67,5% tổng giá trị trúng thầu cả sáu tháng đầu năm. Thực tế, vốn TPCP là nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển hạ tầng. Với việc quyết liệt trong chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC và các ngân hàng đẩy mạnh cho vay có thể tạo thêm áp lực khiến lãi suất TPCP tăng nhẹ.

Xu hướng KBNN phát hành đẩy tăng khối lượng kỳ hạn dài và giảm khối lượng kỳ hạn ngắn tiếp tục duy trì trong nửa đầu năm 2020, trong đó lượng trái phiếu phát hành tập trung vào các kỳ hạn 10 và 15 năm. Tính chung cho sáu tháng, lượng TPCP huy động thành công ở các kỳ hạn 10 và 15 năm chiếm gần 80% tổng khối lượng TPCP phát hành.

Theo bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên gia phân tích vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), diễn biến qua từng tháng trong giai đoạn đầu năm cho thấy, lãi suất TPCP trúng thầu ở các kỳ hạn ngắn như 5 và 7 năm biến động nhẹ do nhu cầu ít và tỷ lệ trúng thầu tương đối thấp. Lãi suất trúng thầu ở các kỳ hạn dài biến động mạnh và phân hóa. Cụ thể, các kỳ hạn 10 - 20 năm có xu hướng giảm trong quý I và tăng dần trong quý II do những lo ngại về khó khăn của ngân sách sẽ tăng trong năm 2020 do dịch Covid-19. Tuy nhiên, thanh khoản luôn duy trì trạng thái dồi dào xuyên suốt sáu tháng đầu năm giúp mặt bằng lãi suất trúng thầu ở các kỳ hạn đều giảm rõ rệt so cuối năm 2019.

Theo kế hoạch phát hành từ KBNN, dự kiến sẽ có khoảng gần 173.000 tỷ đồng TPCP được phát hành trong nửa cuối năm 2020, trong khi đó lượng trái phiếu đáo hạn sẽ tập trung vào quý IV năm nay. Do vậy, áp lực phát hành TPCP nhằm đảo nợ sẽ tương đối thấp trong quý III và gia tăng mạnh vào quý IV. Tuy nhiên, theo bà Thái Thị Việt Trinh, với yêu cầu của Chính phủ đẩy nhanh vốn ĐTC nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như nguồn thu ngân sách sẽ hạn hẹp hơn do dịch Covid-19, đơn vị phát hành sẽ phải đẩy nhanh kế hoạch phát hành TPCP trong nửa cuối năm 2020, với kỳ hạn phát hành trung bình tiếp tục sẽ là 10 và 15 năm. Về mặt lãi suất huy động, lãi suất TPCP trúng thầu được kỳ vọng sẽ gia tăng nhẹ, khi thanh khoản được kỳ vọng không còn dồi dào như nửa đầu năm, khiến nhu cầu giảm bớt và nguồn cung tăng đáng kể.

Cũng theo bà Thái Thị Việt Trinh, trên thị trường TPCP thứ cấp, thanh khoản tiếp tục duy trì trạng thái dồi dào trong ngắn hạn sẽ là yếu tố chính giúp mặt bằng lợi suất trái phiếu duy trì xu hướng giảm. Tuy nhiên, với các yếu tố chi phối như thanh khoản được kỳ vọng không còn dồi dào và lạm phát diễn biến khó lường hơn về cuối năm, áp lực tăng nhẹ đối với lãi suất trái phiếu thứ cấp cũng sẽ rõ ràng hơn về cuối năm.

Tuy vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 quay lại và có diễn biến phức tạp hơn tại Việt Nam, thị trường TPCP sơ cấp cũng có nhiều yếu tố khó lường hơn. Điển hình như phiên huy động cuối cùng của tháng 7, giá trị trúng thầu bất ngờ giảm tốc mạnh, trái ngược hoàn toàn với ba phiên rất sôi động của tháng. Thực tế, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào, nhưng hiện tại lãi suất huy động TPCP đã về mức rất thấp; điều này làm giảm bớt tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Về mặt trung hạn, từ nay tới cuối năm, sức cầu TPCP phụ thuộc nhiều vào thanh khoản hệ thống ngân hàng và tốc độ giải ngân vốn ĐTC. Với quyết tâm và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giải ngân vốn ĐTC kỳ vọng sẽ tăng tốc và khiến cầu huy động TPCP tăng. Trong khi đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng lại đang phụ thuộc rất lớn vào sức hấp thụ của nền kinh tế và đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 quay lại như hiện nay, thì khả năng thanh khoản sẽ không ảnh hưởng nhiều. Do vậy, cơ hội giảm tiếp lãi suất huy động TPCP có thể có ít dư địa để giảm tiếp vì đã ở mức rất thấp, nhưng sự sôi động của thị trường sơ cấp thì sẽ khó đoán định hơn, khi thanh khoản hệ thống ngân hàng còn chờ tín hiệu hồi phục của nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm. 

 Trên thị trường TPCP thứ cấp, tổng giá trị niêm yết TPCP tính đến ngày 31-7-2020 ước đạt hơn 1,21 triệu tỷ đồng. Trong tháng 7, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 10.257 tỷ đồng/phiên, tăng 25% so tháng trước.