Kiểm soát tăng trưởng tín dụng

Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam là bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ giảm lãi suất trong giai đoạn hiện nay trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô (KTVM) phù hợp, mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.

Các ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ khách hàng. Ảnh: NAM ANH
Các ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ khách hàng. Ảnh: NAM ANH

Liên quan vấn đề điều kiện tín dụng, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, các doanh nghiệp (DN) cần xây dựng và triển khai các dự án thật sự khả thi, tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả và cân đối được nguồn trả nợ, tận dụng cơ hội tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, tăng cường tham gia chuỗi liên kết. DN cần ứng dụng công nghệ và minh bạch dòng tiền, tạo cơ sở để NH xem xét thay thế cho vay mới.

Còn theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh, chính sách cho vay của các NH là khá tốt, nhưng DN phải có nhìn nhận từ hai phía. Các NH đã tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ khách hàng, nhưng về thực tế, NH cũng là những DN, phải cân nhắc các rủi ro khi giãn nợ hay giảm lãi suất đều tác động đến hiệu quả hoạt động NH.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, hiện các DN đang gặp khó khăn do kinh doanh thu hẹp không có doanh thu, nhiều tài sản thế chấp nằm ở khoản nợ thế chấp đã vay NH... Nhưng không phải vì khó khăn như vậy rồi ép các NH hạ chuẩn tín dụng mà thay vào đó, hai bên cùng ngồi lại với nhau để đàm phán. Dịch Covid-19 không phải là vấn đề mang tính cấu trúc dài hạn mà chỉ là tai nạn ngắn hạn, nên NH không thể hạ chuẩn mực tín dụng mà xem xét trường hợp cụ thể giúp cho DN tồn tại cầm cự vượt qua khủng hoảng, sau đó mới tính tiếp được. Nếu không sẽ dẫn tới chuyện nợ xấu bùng lên khủng khiếp, vô cùng rắc rối cho hoạt động NH.

Theo Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Thanh Hà, quan điểm điều hành CSTT xuyên suốt của NHNN là bảo đảm thanh khoản cho các TCTD cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ giảm lãi suất trong giai đoạn hiện nay trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng KTVM phù hợp, mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hoạt động của hệ thống TCTD. Theo đó, sau khi điều chỉnh lãi suất điều hành vào tháng 3-2020, để tiếp tục hỗ trợ DN, người dân giảm chi phí vay vốn, NHNN quyết định tiếp tục giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành vào giữa tháng 5 vừa qua. Với việc giảm lãi suất điều hành cùng với việc quyết liệt chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế. Điều này cho thấy NH đang sẵn sàng cung ứng một lượng vốn giá rẻ cho nền kinh tế. Vấn đề là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đến đâu.

Về vấn đề này, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng cũng khẳng định, hiện các NH không thiếu tiền, vấn đề DN phải có phương án hiệu quả, chứng minh được tính khả thi thì NH sẵn sàng cho vay. Hiện tại, ngành NH đang chấp nhận giảm lợi nhuận từ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ… để hỗ trợ DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng không phải là hỗ trợ vô điều kiện, cho vay vô tội vạ. Nếu cho vay dễ dãi, DN dùng vốn vay để đảo nợ, sử dụng không hiệu quả, thì nợ xấu sẽ tăng vọt, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, ngành NH sẽ tạo mọi điều kiện để khôi phục nền kinh tế sau dịch. Ngoài cơ chế mở từ Thông tư 01/2020/TT-NHNN như không giới hạn ngành nghề và loại hình DN, áp dụng cả cho vay bằng VND và ngoại tệ; không phân biệt nhóm nợ của khách hàng tại thời điểm cơ cấu lại, miễn giảm lãi cũng như số lần khách được cơ cấu lại… NHNN có thể sẽ xem xét chủ trương kéo dài hơn thời gian cơ cấu lại nợ nếu cần thiết.

Riêng về hạn mức tăng trưởng tín dụng (TTTD), theo đánh giá của TS Cấn Văn Lực, hiện tại có một vài TCTD tăng trưởng tương đối nhanh trong những tháng đầu năm nên NHNN đưa ra chính sách tín dụng linh hoạt hơn, tức là TCTD nào tăng được tín dụng tốt mà vẫn kiểm soát được rủi ro thì sẽ được nới room. Nhưng hạn mức TTTD năm nay không phải là vấn đề lớn. Có thể cả năm 2020, toàn hệ thống NH tăng tín dụng khoảng 9-10% vì cầu yếu hơn nhiều so cùng kỳ.

Với việc NHNN tính nới room tín dụng, theo TS Lê Xuân Nghĩa, sẽ giúp cho các NH linh hoạt trong cho vay tại nhiều phân khúc thị trường. Tuy nhiên, dù tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng cao hơn so những tháng đầu năm, nhưng khó có thể bật tăng mạnh. Vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều thị trường xuất khẩu, nhập khẩu mà thị trường bên ngoài gần như đang bị đóng băng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn. Để khắc phục khó khăn trước mắt, các DN cần phải hướng mạnh khai thác thị trường nội địa về du lịch, thương mại, dịch vụ... thị trường nội địa hiện cũng nhiều tiềm năng.

Còn ông Đặng Hồng Anh lưu ý đối với các DN, trong mùa dịch nếu không có kế hoạch hậu dịch phát triển công ty, thì vay NH sẽ trở thành gánh nặng cho chính DN, không khéo lại ảnh hưởng đến NH. DN chưa có kế hoạch tốt cho thời điểm hậu dịch thì không nên vay. Bên cạnh đó, DN phải có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị mọi điều kiện để khi dịch đi qua có thể bắt tay vào kinh doanh và phục hồi trở lại.

Thực tế cho thấy, vấn đề TTTD được cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào dịch Covid-19 kéo dài trong bao lâu. Nhưng giới chuyên môn cũng khuyến cáo, dù không để tín dụng tăng quá thấp nhưng cũng không nên kích tăng quá nhanh. Thực tế, tỷ lệ tín dụng/GDP vẫn đang ở mức tương đối cao. Vì vậy, NHNN vẫn cần kiểm soát tốc độ TTTD ở mức hợp lý phù hợp sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.