Không để nợ xấu trở thành “gánh nặng”

Tác động của dịch Covid-19 đến hệ thống ngân hàng (NH) có độ trễ hơn so doanh nghiệp (DN). Trong khi DN, khách hàng, người dân gặp khó khăn ngay khi dịch bệnh bùng phát, hệ thống NH sẽ chịu ảnh hưởng sau đó. Vì vậy, quý III và quý IV sẽ là thời điểm ngành NH “ngấm đòn” Covid-19 và thách thức, khó khăn lớn nhất sẽ là vấn đề xử lý nợ xấu.

Nhiều ngân hàng thương mại đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất huy động.
Nhiều ngân hàng thương mại đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất huy động.

Theo Cơ quan Thanh tra giám sát NH của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 (NQ 42) của Quốc hội, tính đến cuối tháng 8-2020 hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được khoảng 300.000 tỷ đồng nợ xấu (trung bình 7.000 tỷ đồng/tháng). Đáng chú ý, trong tổng số 300.000 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý theo NQ 42 thì có tới 121.400 tỷ đồng là do khách vay vốn tự trả. Điều này cho thấy ý thức trả nợ của người vay đã được cải thiện nhờ những quy định, tăng quyền cho các TCTD khi thu giữ, xử lý đấu giá và phát mại tài sản.

Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) Đỗ Giang Nam cũng cho rằng, từ khi có NQ 42, ý thức trả nợ của bên vay vốn có sự tăng lên rõ rệt. Cụ thể, giai đoạn 2012 - 2017, việc tự nguyện trả nợ của bên vay chỉ ở mức 21 - 22%; nhưng trong hơn ba năm vừa qua tỷ lệ này đã chiếm khoảng 40 - 42%. Thí dụ, tại thị trường TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ ngày 15-8-2017 đến 31-5-2020 các TCTD đã xử lý được khoảng 123.274 tỷ đồng nợ xấu.

Mới đây, nhiều NH đã công bố báo cáo tài chính quý III - 2020, trong đó có sự phân hóa về tăng trưởng lợi nhuận của từng nhóm NH. Tuy nhiên, diễn biến chung tại phần lớn các NH là xu hướng gia tăng của nợ xấu ở thời điểm chốt hết chín tháng đầu năm 2020. Điển hình như tại MB, tại thời điểm cuối quý III - 2020 có 4.036 tỷ đồng nợ xấu, tăng 9% so cùng kỳ năm trước, song nhờ tăng trưởng tín dụng cao nên tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,5%, trong khi cùng kỳ năm trước là 1,54%. Trong khi đó, báo cáo tài chính quý III của Sacombank cho thấy, tổng tài sản đến cuối tháng 9 ở mức 485.212 tỷ đồng, tăng 7% so đầu năm; dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,2% lên 320.214 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu nội bảng là hơn 6.837 tỷ đồng, tăng 19% so đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn 5.490 tỷ đồng, chiếm 80% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,9% lên 2,13%.

Tại Vietcombank, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III - 2020, tổng tài sản ở mức gần 1,2 triệu tỷ đồng, giảm 3% so đầu năm; cho vay khách hàng tăng 6,6% lên 783.757 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ xấu ở mức 7.883 tỷ đồng, tăng 15% so đầu năm. Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng hơn ba lần lên 2.922 tỷ đồng, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ tăng) tăng gần ba lần, trong khi nợ nhóm 5 giảm 16%, xuống 3.362 tỷ đồng. Mặt khác, nợ cần chú ý tăng 60% lên 4.156 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của NH này qua đó tăng từ 0,79% hồi đầu năm lên 1,01%.\

Tại VPBank, tổng nợ xấu hợp nhất đến cuối quý III là hơn 10.147 tỷ đồng, cao hơn 15% so đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 15%, nợ nhóm 4 tăng 36%. Kết quả này kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của NH này tăng từ mức 3,42% đầu năm lên 3,65%.

Báo cáo tài chính quý III - 2020 của TPBank cũng cho thấy, tổng nợ xấu tính đến ngày 30-9 là hơn 1.970 tỷ đồng, tăng 60% so thời điểm cuối năm 2019 (hơn 1.235 tỷ đồng). Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 27% lên hơn 569,5 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 82% lên hơn 555 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 76% lên hơn 846 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức gần 1,3% hồi đầu năm lên gần 1,8%.

Dù nợ xấu của các NH đang tăng so đầu năm, song các chuyên gia nhận định đây chưa phải là mức tăng thực chất vì hiện vẫn chưa có đánh giá chung về các khoản vay được giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ theo Thông tư  01/2020/TT-NHNN.

Số liệu mới nhất của NHNN cho thấy, tính đến ngày 28-9-2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 272.115 khách hàng với dư nợ 331.013 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 493.815 khách hàng với dư nợ 1.161.315 tỷ đồng. Viện Nghiên cứu BIDV ước tính, nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2020 có thể ở mức 3% và cuối năm 2021 là 4%. Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu được dự báo sẽ gặp khó khăn hơn. Tác động của dịch Covid-19 đến hệ thống NH có độ trễ hơn so DN. Trong khi DN, khách hàng, người dân gặp khó khăn ngay khi dịch bệnh bùng phát, hệ thống NH sẽ chịu ảnh hưởng sau đó. Vì vậy, quý III và quý IV sẽ là thời điểm ngành NH “ngấm đòn” tác động tiêu cực của dịch Covid-19, và thách thức, khó khăn lớn nhất sẽ là vấn đề xử lý nợ xấu.

Theo các chuyên gia, trong điều kiện hiện nay cần chấp nhận nợ xấu có xu hướng tăng, vì đây là chuyện bình thường khi nền kinh tế đi vào khủng hoảng. Sau khi dịch bệnh qua đi, tăng trưởng tín dụng sẽ dần phục hồi và thu nhập lãi thuần (NIM) có thể được cải thiện nhờ thay đổi cơ cấu cho vay và huy động. Thế nhưng nợ xấu chỉ có thể được giải quyết nhanh gọn nếu NH thận trọng trong cho vay, xếp hạng nợ và dự phòng, bảo đảm thanh khoản cho hệ thống tài chính. Ngoài ra, cơ quan quản lý và các NH cần phải có giải pháp kiểm soát, cân đối để nợ xấu có tăng nhưng khi phục hồi kinh tế sẽ giải quyết được. Còn nếu quá sốt ruột cố gắng phục hồi kinh tế bằng cách cơ cấu nợ, khoanh nợ để bơm nhiều vốn giá rẻ, cũng như dễ dãi trong quản lý, giám sát khoản vốn, nợ xấu sẽ tăng mạnh trong giai đoạn sau đó, khi kinh tế phục hồi cũng khó giải quyết, thậm chí nợ xấu đó trở thành gánh nặng khó xử lý.