Không chủ quan về tăng trưởng kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam quý III-2019 chứng kiến nhiều diễn biến tích cực, tăng trưởng kinh tế (TTKT) đạt mức 7,31%. Tuy nhiên, tại buổi họp báo công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô (KTVM) Việt Nam quý III-2019 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải nhìn câu chuyện tăng trưởng thận trọng hơn, mặc dù các chỉ số giống năm trước, nhưng nội dung đã có sự thay đổi.

Kim ngạch xuất khẩu chín tháng mặc dù tăng khá cao, nhưng một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực FDI. Ảnh: HẰNG NGÔ
Kim ngạch xuất khẩu chín tháng mặc dù tăng khá cao, nhưng một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực FDI. Ảnh: HẰNG NGÔ

Trong quý III-2019, mặc dù kinh tế thế giới chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều diễn biến tích cực. Theo báo cáo của VEPR, TTKT Việt Nam trong quý III ở mức 7,31%, tính chung cho chín tháng đầu năm, GDP tăng 6,98% - cao nhất trong những năm trở lại đây. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng.

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực cho rằng, ba điểm tích cực của KTVM trong chín tháng đầu năm là xuất khẩu (XK), vốn đầu tư toàn xã hội và năng lực cạnh tranh. Cụ thể, kim ngạch XK hàng hóa quý III đạt 71,76 tỷ USD, tăng 10,86%. Trong đó, XK tới từ nhóm doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng chủ yếu, đạt 49,2 tỷ USD (chiếm 69,6% tổng kim ngạch). XK từ khu vực trong nước tăng 13,8%, đạt 22,54 tỷ USD. Đối với vốn đầu tư toàn xã hội, riêng trong quý III, dòng vốn này đạt 55.400 tỷ đồng, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2018. Tính chung chín tháng so cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 16,9%, FDI tăng 8,4%.

Một điểm sáng nữa trong bức tranh KTVM chính là vừa qua, World Economic Forum đã tăng chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2019 lên 10 bậc, xếp hạng 67 toàn thế giới.

Ngoài ba điểm sáng nổi bật trên, nền kinh tế Việt Nam chín tháng năm 2019 cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực, như số DN tạm ngừng hoạt động giảm, quy mô lao động tăng và tiếp tục chuyển dịch sang khu vực ngoài nhà nước, FDI. Về phía cầu, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, đạt 2,5%.

Tuy nhiên, theo PGS, TS Phạm Thế Anh, Trưởng nhóm KTVM của VEPR, vẫn còn những nguy cơ khiến chỉ số này tăng cao hơn trong thời gian tới. Nguyên nhân chính có thể đến từ việc giá tăng do dịch tả lợn châu Phi, cùng với giá nhiên liệu biến động bất ổn. Kim ngạch XK chín tháng mặc dù tăng khá cao, nhưng tỷ trọng XK của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực FDI, đóng góp của DN trong nước vẫn chưa được đẩy mạnh. Đáng chú ý, trong tám tháng đầu năm 2019 là giá trị XK của hàng hóa Việt Nam sang Mỹ tăng 27% về mặt giá trị so cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 39 tỷ USD. Tuy nhiên, việc XK nhiều sang Mỹ có thật sự làm lợi cho thị trường nội địa? Bởi lẽ hoạt động XK của Việt Nam chủ yếu dựa vào khu vực FDI, 70% nguyên liệu sử dụng cho ngành dệt - may có nguồn gốc từ Trung Quốc, Việt Nam đồng thời cũng là thị trường tái xuất của một số nước.

Ngoài ra, bức tranh KTVM năm nay còn chứng kiến điểm khá đặc biệt so những năm trước, đó là “lĩnh vực khai khoáng tăng trưởng mạnh, đóng góp tương đối lớn vào TTKT. Trong khi đó, tăng trưởng thật trong các ngành xây dựng, chế biến, chế tạo không có”, Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành lưu ý và cho rằng, bắt đầu có những dấu hiệu không thể chủ quan, tăng trưởng năm sau có thể giảm xuống.

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Đức Thành, dự báo tăng trưởng năm nay vẫn tương đối lạc quan. Theo đó, TTKT quý IV ước đạt 7,26%. Như vậy, cả năm 2019 dự báo TTKT ước đạt 7,05%. Về lạm phát, dự báo sẽ đạt 2,45% trong quý IV-2019.

Nhận định về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2019, TS Đỗ Văn Sinh, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ: “Chính phủ dự kiến năm nay hoàn thành 12/12 chỉ tiêu phát triển KT-XH. Nhiều dấu hiệu cho thấy, kết quả đạt được còn tốt hơn dự kiến”. Bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019, tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến không thuận. Căng thẳng địa chính trị, xung đột cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Cạnh tranh chiến lược, nhất là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng phức tạp, khó lường. Trước những diễn biến bất lợi này, hầu hết các định chế kinh tế, tài chính có uy tín của quốc tế đều dự báo hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm, vậy nhưng, chúng ta hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu phát triển KT-XH chủ yếu, nhất là tăng trưởng GDP đạt gần 7%, đây là một thành công lớn.

Mặt khác, theo ông Đỗ Văn Sinh, năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, trong khi chín tháng qua mới tăng 8,4%, tức là dư địa chính sách tiền tệ (CSTT) còn rất lớn. Lạm phát được kiểm soát khi chỉ số tiêu dùng (CPI) chín tháng mới tăng 2,5% là điều kiện để nới lỏng chính sách tài khóa và CSTT; thị trường trong nước tiếp tục đà tăng trưởng, thị trường XK có dấu hiệu phục hồi chính là cơ sở để tin rằng kết quả đạt được các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm nay còn tốt hơn dự báo. Tuy nhiên, còn gần ba tháng nữa mới kết thúc năm 2019, nên trong những tháng cuối năm không được lơ là, chủ quan.