Khơi thông dòng nông sản xuất khẩu

Ngành nông nghiệp Việt Nam đã xác định một số nhóm ngành đang có lợi thế như rau quả, thủy sản, nhóm sản phẩm cây công nghiệp để tập trung khai thác, tận dụng ngay lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA). Những nhóm ngành hàng này đã được tập trung đẩy nhanh công tác sản xuất chuỗi, chuẩn bị kỹ về kỹ năng thương mại… theo đúng đường lối, chiến lược phát triển và duy trì vị thế quốc gia nông nghiệp nhiều lợi thế của Đảng và Nhà nước.

Bảo quản vải theo công nghệ CAS (Cells Alive System) để xuất khẩu .Ảnh: I.T
Bảo quản vải theo công nghệ CAS (Cells Alive System) để xuất khẩu .Ảnh: I.T

Kỳ 1: Tận dụng cơ hội đưa nông sản vào châu Âu

Tăng tốc nhờ thuế suất 0%

Là một trong 13 nông sản chủ lực quốc gia, với lợi thế cạnh tranh cao, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo, ngành cà-phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 600 nghìn hộ nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở Tây Nguyên và các vùng trồng cà-phê khác của Việt Nam.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn là quốc gia xuất khẩu (XK) cà-phê lớn thứ hai thế giới và đứng đầu thế giới về XK cà-phê robusta, đạt kim ngạch XK thường xuyên hơn ba tỷ USD/năm. Cà-phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Liên hiệp châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ nhiều cà-phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch XK cả nước, trung bình giá trị XK cà-phê sang EU đạt 1,2 - 1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua.

EVFTA có hiệu lực đã mang lại cơ hội lớn cho XK nông sản Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chỉ sau một tháng kể từ khi EVFTA có hiệu lực, trị giá XK nông - lâm - thủy sản vào EU trong tháng 8 đã đạt 350 triệu USD, tăng trưởng 17% so tháng 7. Gạo, rau quả tươi, cà-phê… là những mặt hàng đã tận dụng được cơ hội XK vào EU nhờ EVFTA. Riêng cà-phê, tháng 8-2020, giá trị XK mặt hàng này của Việt Nam vào thị trường EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so tháng 7-2020.

Đáng chú ý, giá nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã tăng sau khi hiệp định có hiệu lực. Chẳng hạn, giá gạo XK của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến 80 - 200 USD/tấn tùy loại so trước khi EVFTA có hiệu lực. Ước tính trị giá XK gạo tháng 8-2020 của Việt Nam vào thị trường EU đạt hơn 1,2 triệu USD, tăng tới 93,5% so tháng 7 và tăng 35,6% so cùng kỳ năm trước.

Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đánh giá, có thể thấy việc XK một số sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam sang thị trường EU không chỉ là thành công bước đầu của bản thân doanh nghiệp (DN), mà còn đánh dấu mốc sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam chính thức ghi danh trên thị trường quốc tế.

Tiếp nối sự kiện lô tôm, cà-phê đầu tiên XK sang EU, ngày 17-9, Công ty Vina T&T Group đã XK lô trái cây gồm: bưởi, dừa, thanh long sang thị trường này với ưu đãi thuế quan 0% theo Hiệp định EVFTA. Tổng Giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, lô hàng XK đợt này của Vina T&T Group qua EU với tổng giá trị 73 nghìn USD. Sau khi EVFTA có hiệu lực, các mặt hàng XK rau quả của Việt Nam vào EU được hưởng nhiều lợi thế, đặc biệt là thuế quan. Chính điều này đã tạo động lực cho Vina T&T Group nói riêng và các DN XK rau quả nói chung tập trung khai thác mạnh thị trường này trong thời gian tới. 

Tại lễ XK 296 tấn cà-phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp vào thị trường EU theo EVFTA do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Gia Lai tổ chức, Thứ trưởng NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, với hiệp định này, hầu hết nông sản Việt Nam xuất sang EU có mức thuế bằng 0%. Đây là thị trường khắt khe, nông nghiệp Việt Nam nói chung, cà-phê Việt Nam nói riêng phải thay đổi lớn theo hướng nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng chế biến, minh bạch nguồn gốc xuất xứ.

Vượt qua những rào cản kỹ thuật cao nhất

Có thể thấy, chưa bao giờ ngành nông nghiệp Việt Nam lại đứng trước nhiều cơ hội tại thị trường EU như hiện nay. Nhiều khách hàng tại EU đã ngỏ ý muốn tăng lượng NK nông sản của Việt Nam, nhưng yêu cầu sản phẩm phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định.

Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam Ngô Thị Thu Hồng chia sẻ, ngay trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, DN vẫn nhận được lời đề nghị NK khoảng 20 mặt hàng rau quả từ đối tác EU. Hiện, DN đang làm việc với các địa phương, HTX, nông dân để chuẩn bị nguồn hàng và phương án XK. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh XK nông sản sang EU, yêu cầu đầu tiên là DN phải chuyên nghiệp. Hàng nông sản XK phải có mã số vùng trồng, truy xuất tới từng gốc cây. Đồng thời, sản phẩm phải có đầy đủ các loại chứng từ như: GlobalGAP, VietGAP... 

Nhiều DN XK rau quả cũng cho biết, khó khăn nhất không phải là việc tìm kiếm thị trường, mà là sản phẩm có đáp ứng đúng chuẩn của đối tác đưa ra hay không. Một phần nguyên nhân là vì nhiều nông dân chưa hiểu được tầm quan trọng của việc sản xuất nông nghiệp sạch.

Thực tế, Việt Nam có rất nhiều loại rau quả, trái cây đặc biệt nên được nhiều đối tác lựa chọn. Tuy vậy, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chắc chắn vẫn là vấn đề mà Việt Nam cần phải cải thiện hơn nữa, bởi tiêu chí của EU rất ngặt nghèo, chỉ cần lô hàng tồn dư một lượng thuốc BVTV nhỏ đã có thể “đánh sập” uy tín của cả một ngành hàng.

Ngoài các quy định về kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, các quốc gia NK nông sản Việt Nam còn kiểm soát rất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm (ATTP), nhất là thông qua hậu kiểm định kỳ hoặc đột xuất. Phó Cục trưởng BVTV, Bộ NN&PTNT Nguyễn Quý Dương cho biết, qua kiểm tra, phân tích, nếu phát hiện vi phạm về ATTP, các nước sẽ thông báo cho Cục BVTV để cảnh báo, khắc phục. Nếu tiếp tục phát hiện vi phạm, họ sẽ tùy tình hình để tăng mức độ kiểm tra giám sát, thậm chí dừng NK. Trong bối cảnh hiện nay, nông sản Việt Nam muốn được thị trường nước ngoài chấp nhận, tin tưởng thì ít nhất phải đạt được tiêu chuẩn VietGAP. Đã đến lúc ngành nông nghiệp Việt Nam phải nói không với thuốc BVTV, XK không nên chạy theo số lượng mà nên hướng tới chất lượng.

Lời giải từ nền sản xuất an toàn

Dẫn câu chuyện về việc xây dựng vùng trồng thanh long hữu cơ để lý giải nguyên nhân vì sao sản xuất sạch chưa được nhân rộng, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An chia sẻ, muốn trồng thanh long hữu cơ, người nông dân phải mất hai năm chuẩn bị đất, chi phí vốn đầu tư lớn. Do đó, ban đầu rất ít nông dân muốn tham gia. Tuy vậy, cách nhìn của nông dân đã thay đổi hoàn toàn sau khi thấy được hiệu quả từ mặt hàng thanh long hữu cơ bán được giá cao, XK sang nhiều thị trường khó tính. Nhiều hộ dân đã chuyển hướng sang trồng hữu cơ, chấp nhận lỗ những năm đầu, trước mắt dù giá bán thấp và lỗ thì họ cũng làm để tạo hướng bền vững sau này.

Theo ông Hồ Đăng Khoa, đại diện Tập đoàn Quế Lâm, làm nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi thời gian lâu dài chứ không chỉ một sớm một chiều mà được. Giá bán sản phẩm rất cao nhưng với điều kiện phải thực hiện nghiêm túc quy trình chăm sóc. Chẳng hạn như nếu sử dụng thuốc trừ cỏ thì sẽ không còn là nông nghiệp hữu cơ, gây mất uy tín về thương hiệu, niềm tin và giá cả sẽ sụt giảm ngay. Ngoài ra, thị trường EU còn yêu cầu sản phẩm phải hướng tới giá trị xã hội, hỗ trợ người nghèo tăng thu nhập, bảo vệ môi trường...

Trong khi đó, ông Trương Quốc Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam cho rằng, cần có chiến lược sử dụng thuốc BVTV trong những năm tới, giải quyết tình trạng dùng quá mức cần thiết, nhằm hướng nông dân tới nền sản xuất an toàn, hạn chế dùng thuốc BVTV để giảm sự lệ thuộc. Đó là sự tiến bộ chứ không phải thụt lùi. 

Không chỉ khai thác giá trị tuyệt đối về XK sang EU, nông sản Việt Nam còn cần thông qua thị trường này để làm “tín chỉ” chứng minh trình độ sản xuất, trình độ liên kết các nhóm hàng của Việt Nam đã đạt đến cấp độ đi đến bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Từ đó, mở rộng quá trình tổ chức sản xuất tạo sinh kế, lợi nhuận cho bà con nông dân. Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nông nghiệp Việt Nam đã xác định một số nhóm ngành đang có lợi thế như rau quả, thủy sản, nhóm sản phẩm cây công nghiệp để tập trung khai thác, tận dụng ngay lợi thế từ EVFTA. Những nhóm ngành hàng này đã tập trung đẩy nhanh công tác sản xuất chuỗi, chuẩn bị kỹ về kỹ năng thương mại để hưởng thuế 0% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Bên cạnh đó là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, ATTP. Có như vậy mới khai thác tốt thị trường EU. 

(Còn nữa)