“Khát” nguồn nhân lực chất lượng cao

Được coi là ngành công nghiệp nền tảng đóng vai trò cung cấp đầu vào cho tất cả các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, công nghiệp vật liệu (CNVL) góp phần thúc đẩy hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngành CNVL trong nước vẫn đang đối mặt nhiều hạn chế, đặc biệt là tình trạng “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao (NLCLC). 

Masan High Tech Materials - nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm vật liệu công nghệ, luôn cần nhân lực trình độ cao.
Masan High Tech Materials - nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm vật liệu công nghệ, luôn cần nhân lực trình độ cao.

Nhân lực thiếu và yếu

Việt Nam hiện có hơn 680 tổ chức nghiên cứu và phát triển (NC&PT) với các quy mô khác nhau. Trong đó, bao gồm các tổ chức NC&PT hoạt động trong lĩnh vực CNVL, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Khoảng 173.000 người đang tham gia hoạt động NC&PT trên khắp cả nước. Mức độ đầu tư cho lĩnh vực này năm 2017 tại nước ta đạt 26.368 tỷ đồng, bằng 0,52% GDP với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, lực lượng cán bộ nghiên cứu cho lĩnh vực CNVL hiện còn khá mỏng và đầu tư thấp, chưa tương xứng tiềm năng cũng như nhu cầu thực tế. 

Thống kê của Tổ chức HT&PT kinh tế về số người làm khoa học - công nghệ hơn 1.000 người lao động và kinh phí (%GDP) dành cho các hoạt động nghiên cứu từ năm 2017 của một số nước tại châu Á cho thấy, Việt Nam đang nằm ở top sau so các quốc gia: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Nếu so với mặt bằng chung trên toàn thế giới, Việt Nam nằm dưới mức trung bình.

Phát biểu tại hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực ngành CNVL đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh nhận định, nguồn nguyên vật liệu trong nước hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng dẫn đến sự phụ thuộc vào quá trình nhập khẩu, ảnh hưởng tới năng lực tự chủ, tự cường nền kinh tế. Sức cạnh tranh của nhiều ngành CNVL còn hạn chế cả về trình độ, công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng và chi phí. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là nguồn NLCLC của ngành CNVL hiện còn thiếu và yếu. Đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với khoa học và công nghệ (KH&CN). Cơ chế chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực cho ngành CNVL nói riêng còn nhiều bất cập.

Thực tế, theo đánh giá của Bộ KH&CN, ngoài một số ngành sản xuất vật liệu phục vụ xây dựng như xi-măng, thép… có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhiều ngành CNVL vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước. Ngay cả ngành sản xuất thép, một nguyên liệu quan trọng vẫn còn độ vênh. Thép trong nước chỉ dùng cho chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng nhỏ hơn, chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước và đặc biệt chưa sản xuất được ở quy mô công nghiệp đối với các chủng loại thép chất lượng cao, thép hợp kim phục vụ công nghiệp chế biến, chế tạo…

Theo PGS, TS Đoàn Đình Phương, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, bên cạnh thực trạng lực lượng cán bộ nghiên cứu thiếu đủ bề thì ngành CNVL nước ta còn gặp nhiều rào cản khác. Đơn cử, cơ chế quản lý mang tính kiểm soát cơ học hiện nay không phù hợp lĩnh vực KH&CN, thiếu tính kiến tạo. Các cơ sở nghiên cứu thiếu các đơn đặt hàng để đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực quan trọng này. Chiến lược quốc gia được đề ra khá tốt nhưng thiếu đầu tư, sáng tạo trong triển khai và thiếu sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện cũng như thiếu sự kiểm tra, đánh giá, sơ kết, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp.

Cần đầu tư nâng chất lượng nguồn nhân lực

Đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng đã tạo nên sự dịch chuyển nền sản xuất toàn cầu với nhiều ưu thế được mở ra cho các quốc gia đang trên đà phát triển như Việt Nam. Do vậy, cần ưu tiên đầu tư cho các ngành CNVL theo xu hướng mới.

Là đơn vị nhận rất nhiều “đơn đặt hàng” về đào tạo NLCLC cho các ngành công nghiệp trọng điểm của TP Hồ Chí Minh, vài năm trở lại đây, ĐHQG TP Hồ Chí Minh tiếp tục mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế với các quốc gia phát triển để nâng chất đầu ra cho nguồn nhân lực. Tuy nhiên, kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. 

PGS, TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguồn NLCLC đóng vai trò then chốt trong việc đẩy mạnh sự phát triển của ngành CNVL. Chủ trương, chính sách của Đảng, các hướng về phát triển khoa học vật liệu đã có, vấn đề bây giờ là phải tìm ra các giải pháp tổng thể. Trách nhiệm của các trường đại học trong câu chuyện này là làm sao có thể cung cấp đội ngũ NLCLC cho nơi cần. Chỉ khi tạo được mối liên kết hợp tác với DN trong và ngoài nước thì mới hiểu rõ thị trường lao động và đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng cũng như việc làm của sinh viên sau khi ra trường.

PGS, TS Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng KH&CN cho rằng, nhân lực, nhất là NLCLC, có vai trò quyết định đối với sự phát triển của công nghiệp và CNVL. Tuy nhiên, với nhu cầu nguồn nhân lực ngành CNVL ngày càng cao như hiện nay ở Việt Nam, chúng ta không chỉ tập trung đào tạo, bồi dưỡng mà còn rất cần cơ chế, chính sách thu hút các nhà khoa học giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài, thậm chí là các nhà khoa học nước ngoài tham gia vào các nhiệm vụ nghiên cứu về CNVL của Việt Nam. Đây là nguồn cung cấp NLCLC mà chúng ta cần lưu tâm để đẩy mạnh việc thu hút trong thời gian tới. Khi đội ngũ nhân lực ổn về chất, bảo đảm về lượng, các chính sách hiện hành sẽ hỗ trợ các DN đẩy mạnh năng lực sản xuất CNVL, giảm phụ thuộc nhập khẩu, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều này cũng góp phần khắc phục tình trạng xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô giá rẻ, nâng cao khả năng gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thêm nguồn lực cho đất nước.