Khai thác hiệu quả các FTA

Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), gồm 13 FTA đã ký kết và ba FTA đang đàm phán. Các FTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu (XK), song cơ hội này chưa được tận dụng tốt thì nỗi lo nhập siêu từ các thị trường có FTA đã xuất hiện. 

Sản phẩm nông sản đang tận dụng EVFTA để thâm nhập sâu vào thị trường EU. Ảnh: HẢI ANH
Sản phẩm nông sản đang tận dụng EVFTA để thâm nhập sâu vào thị trường EU. Ảnh: HẢI ANH

Hiện thực hóa những kỳ vọng từ EVFTA 

Sau gần ba tháng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, các cơ hội XK hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Liên hiệp châu Âu (EU) đã bắt đầu được hiện thực hóa, mang lại những lợi ích đầu tiên cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Nhiều mặt hàng xuất sang thị trường này đã tăng mạnh cả kim ngạch và giá thành. EVFTA đã mang lại nhiều cơ hội cho DN Việt Nam khi XK hàng hóa sang thị trường EU. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam, việc thực thi EVFTA mang lại ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, với EVFTA, kết quả bước đầu đạt được khá tích cực. Việt Nam là một trong những quốc gia bảo đảm mức tăng trưởng về XK trong một số lĩnh vực rất ấn tượng dù thương mại toàn cầu đang bị xáo trộn và gián đoạn. Mức tăng trưởng ở đây không phải so cùng kỳ năm 2019 mà là trong hoàn cảnh dịch Covid-19, với việc thành công trong chống dịch, tăng trưởng về XK của Việt Nam chính là điểm sáng cả thế giới. 

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (XNK), Bộ Công thương, tính đến ngày 12-10, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU. Ngoài ra, các DNXK hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho hơn 660 lô hàng với trị giá khoảng hai triệu USD. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 gồm: giày dép, thủy sản, sản phẩm nhựa, hàng dệt may, rau quả... Thị trường NK phần lớn là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như: Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp... Nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. Tiêu biểu như giày dép có giá trị được cấp C/O sau hai tháng (tháng 8 và 9) đạt gần 391 triệu USD; thủy sản đạt hơn 183 triệu USD, nhựa và sản phẩm nhựa đạt hơn 49 triệu USD...

So các FTA khác mới có hiệu lực và đi vào thực thi trong thời gian gần đây như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA giữa ASEAN và Hồng Công (Trung Quốc), FTA giữa Việt Nam và Cuba… thì số lượng C/O mẫu EUR.1 cấp trong thời gian đầu EVFTA có hiệu lực lớn hơn nhiều. Tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 trong tổng kim ngạch XK tháng 8-2020 đạt 8,64% và tăng lên 14,65% vào cuối tháng 9-2020.

Phó Cục trưởng XNK Trần Thanh Hải đánh giá, EVFTA có hiệu lực đã tác động rất kịp thời, giúp DN Việt Nam tìm được đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh năm 2020 chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Mặt hàng đang hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA là nông sản, sau một tháng triển khai cho thấy kim ngạch và giá thành nhiều mặt hàng nông sản XK sang EU tăng mạnh. Trong tháng 8-2020, XK cà-phê của Việt Nam sang EU đạt 76 triệu USD, tăng 34,7% so tháng 7-2020. Giá gạo XK của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80 - 200 USD/tấn. Giá trị XK các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU trong tháng 8-2020 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so tháng trước. XK thủy sản cũng ước tính tăng 10% so tháng 7-2020.

Hóa giải nỗi lo nhập siêu từ các thị trường có FTA

Mặc dù những kết quả ban đầu là tương đối khả quan, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên EVFTA là hiệp định đầu tiên với đối tác chưa từng có FTA với Việt Nam trước đây, đối tác có nguồn công nghệ hàng đầu thế giới và là thị trường XK lớn thứ hai của Việt Nam, thị trường có sức mua lớn thứ hai thế giới và có các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất thế giới. Vì vậy, EU có những quy định rất khắt khe. 

Theo Vụ trưởng Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Trung Tiến, XK vào các nước ký FTA vẫn duy trì xu hướng tăng nhưng mức độ thâm hụt cán cân thương mại ngày càng gia tăng do NK từ các nước đã ký kết FTA có xu hướng tăng cao hơn XK. Điều này cho thấy thực thi FTA đem lại cơ hội đẩy mạnh XK, nhưng cũng đem tới thách thức là NK tăng theo, khiến hàng hóa trong nước phải cạnh tranh trên “sân nhà”.

Thực tế, tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang các thị trường có FTA năm 2019 là 123,11 tỷ USD, trong khi năm 2004, Việt Nam mới có hai đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc với tổng kim ngạch XK gần bảy tỷ USD. Xét về tốc độ tăng trưởng XK bình quân sang các thị trường đối tác FTA kể từ khi có FTA thì Ấn Độ đạt bình quân 35,7%/năm, Hàn Quốc 29,2%/năm, Chile 28,9%/năm, Trung Quốc 20,9%/năm... Tổng kim ngạch NK của Việt Nam từ các thị trường đối tác FTA năm 2019 là 186 tỷ USD, trong khi năm 2004, tổng kim ngạch NK từ hai đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc mới đạt 12,4 tỷ USD. Như vậy, về tổng thể, Việt Nam vẫn nhập siêu từ các thị trường có FTA, với con số năm 2019 là 63 tỷ USD.

Thực tế, nhiều cơ hội từ các FTA đang bị bỏ lỡ, điển hình như CPTPP. Phó Vụ trưởng Chính sách Thương mại đa biên Ngô Chung Khanh phân tích, thị trường Canada mỗi năm NK 11,7 tỷ USD hàng dệt may, trong đó NK từ Việt Nam 0,81 tỷ USD, chiếm 6,9% tổng NK. Mỗi năm, nước này nhập điện thoại và linh kiện trị giá 10,8 tỷ USD, nhưng từ Việt Nam chỉ là 0,62 tỷ USD, tỷ trọng 5,7%... Điều đó cho thấy, hàng Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng ở thị trường Canada. Sau một năm CPTPP có hiệu lực, mới chỉ có 40 tỉnh, thành phố có phát sinh hoạt động XNK với các nước CPTPP như: Malaysia, Singapore, Nhật Bản, New Zealand… đều là những nước đã có FTA với Việt Nam. Còn các nước chưa có FTA với Việt Nam trước khi CPTPP có hiệu lực như Mexico, Canada, thì tỷ lệ XK rất hạn chế.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dù có nhiều cơ hội khi tham gia FTA, song thách thức đặt ra với Việt Nam không hề nhỏ. Tình trạng nhập siêu liên tục tăng một phần do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam kém phát triển. Nếu NK máy móc, thiết bị để tái cơ cấu sản xuất thì không phải là chuyện đáng bàn. Song, nhập nguyên, phụ liệu để làm hàng XK, nhập hàng tiêu dùng cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam trên “sân nhà” thì thật đáng tiếc. Nếu tham gia EVFTA mà Việt Nam không khắc phục được những điểm yếu này, nguy cơ “hụt hơi” sẽ xảy ra.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cũng cho rằng, tham gia FTA, thắng trên “sân người” là vô cùng khó, nhưng “thua trên sân nhà” rất dễ. Vì vậy, chỉ mỗi DN nỗ lực thì chưa đủ, mà Chính phủ cần đóng vai trò hỗ trợ. Chính phủ cần có một đầu mối về các FTA để cung cấp thông tin, xử lý vướng mắc mà DN gặp phải.

Trong khi đó, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may là ngành được lợi lớn từ hội nhập kinh tế. Nếu như năm 1999, XK dệt may chỉ đạt 1,75 tỷ USD, thì đến năm 2019 đã tăng lên 39 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc, Bangladesh. Tuy nhiên, khâu yếu nhất của ngành dệt may là phụ thuộc nguyên phụ liệu NK. Cả CPTPP và EVFTA đều yêu cầu rất chặt chẽ về quy tắc xuất xứ. DN dệt may kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tạo điều kiện để DN có thể chủ động sản xuất vải, sợi. Có như vậy, ngành dệt may mới được hưởng nhiều hơn lợi ích từ các FTA. 

Cục trưởng XNK Phan Văn Chinh khẳng định, cơ hội XK rộng mở trong những tháng cuối năm, đặc biệt khi EVFTA đang được các DN khai thác hiệu quả. Bộ đã phối hợp các bộ, ngành đàm phán 16 FTA, trong đó 13 FTA đã có hiệu lực. Trước mắt, ta phải lấy thị trường để định hướng cho sản xuất và sản xuất theo tín hiệu thị trường, tận dụng tốt các thị trường có FTA nhằm tăng cơ hội miễn, giảm thuế, nâng sức cạnh tranh hàng hóa. Tăng cường thâm nhập các thị trường mới, chưa có FTA nhưng có nhiều mặt hàng chưa bị giới hạn bởi số lượng NK và chưa bị ảnh hưởng hàng rào kỹ thuật. Bộ Công thương sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cao nhất cho DN trong XNK nhằm tiếp cận thị trường nhanh nhất, tính toán cụ thể dung lượng của từng thị trường, thị hiếu với từng mặt hàng, từng đối thủ cạnh tranh với thông tin thiết thực nhất.