Huy động thêm nguồn lực phục hồi kinh tế

Sau 99 ngày không phát sinh các ca lây nhiễm cộng đồng, Việt Nam đã ghi nhận các ca mắc Covid-19 trở lại tại một số tỉnh, thành phố, nguy cơ ảnh hưởng xấu đến khả năng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, hiện nay, bên cạnh nỗ lực quyết tâm phòng, chống không để dịch bệnh lây lan, Việt Nam đang tập trung huy động thêm nguồn lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tác động của dịch bệnh. 

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng đối tác, phục hồi kinh doanh sau đại dịch. Ảnh: HẢI ANH
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng đối tác, phục hồi kinh doanh sau đại dịch. Ảnh: HẢI ANH

Tăng trưởng kinh tế giảm sút

Có thể thấy tác động tức thì khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại. Không chỉ TP Đà Nẵng mà các địa phương, các hãng lữ hành, vận chuyển hàng không đều bị hủy chuyến đi, hủy hợp đồng du lịch. Tình hình dịch bệnh ngay lập tức đã làm lu mờ những tia hy vọng về sự sớm phục hồi đối với không chỉ ngành du lịch mà của nhiều ngành nghề khác như: công nghiệp hỗ trợ (CNHT), chế biến, chế tạo (CBCT)… và đối với một số địa phương hiện nay đang nằm trong tâm dịch.

Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, thời điểm hiện nay nếu không kiểm soát tốt để dịch tái bùng phát sẽ là cực kỳ nguy hiểm, tác động về kinh tế rất lớn do quy mô tác động về cả phương diện địa lý và ngành bị ảnh hưởng. Nguyên nhân do nền kinh tế của chúng ta đang chịu sức ép lớn từ lực cầu vốn đang rất yếu đối với hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ, nay lại đứng trước nguy cơ năng lực của nguồn cung bị ảnh hưởng. Cụ thể, năng lực sản xuất, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp (DN) trong nước có nguy cơ bị ngưng trệ nếu dịch bệnh lan rộng và kéo dài. Chi phí chống dịch và khắc phục hậu quả sẽ tốn kém hơn rất nhiều so thời gian trước. Trong đó, tác động tiêu cực nhất đến công ăn việc làm của người lao động cũng như tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của các DN và của toàn xã hội.

Liên quan đến ngành công nghiệp CBCT, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh thẳng thắn, chỉ số công nghiệp tăng trưởng thấp hơn, bảy tháng chỉ tăng 2,6%, thấp hơn nhiều so năm trước (năm trước tăng 9,4%), trong đó CBCT tăng 4,2%, trong khi năm 2019 tăng 10,7%. Điều đó đã dự báo một số ngành CBCT trong các lĩnh vực trọng điểm phụ thuộc rất nhiều vào công tác thị trường, sản phẩm hàng hóa đang bị tồn kho cao. 

Nhiều DN công nghiệp CBCT có chung nhận định, biến cố từ dịch đã khiến các chuỗi cung ứng trong ngành CBCT trên thế giới bị đứt gãy. Lĩnh vực công nghiệp CBCT của Việt Nam cũng chịu những tác động không nhỏ. Dẫn khảo sát do Hiệp hội thực hiện vào đầu quý II - 2020, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN CNHT Việt Nam cho biết, đơn hàng đang là mối lo của DN. Nhiều DN rơi vào tình cảnh rất khó khăn do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ thì cho rằng, về ngắn hạn, với điều kiện dịch bệnh, người dân sẽ hạn chế đi lại và chi tiêu nên sẽ giảm sút về lực cầu. Bên cạnh đó, đầu tư công (ĐTC) vẫn còn trì trệ, nguyên nhân vì những người thực hiện đều sợ rủi ro, sợ sai nên không làm nhanh, làm mạnh. Các dự báo cũng đang liên tục thay đổi, bởi vậy chúng ta phải chuẩn bị chắc chắn cho mọi kịch bản. Xét về tổng thể, tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhiều nguy cơ sẽ giảm sút đáng kể. 

Phục hồi chuỗi cung ứng đứt gãy

Thời gian qua, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19, Việt Nam đã tích cực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy kết nối DN đầu chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu (NK) phục vụ sản xuất công nghiệp, đặc biệt đối với ngành CBCT. Việc kết nối các DN ngành này sẽ là nền tảng, giúp DN đầu chuỗi tìm kiếm nguồn cung ứng trong nước. Hiện nay, xu hướng phục hồi giai đoạn “hậu Covid-19” vẫn chưa rõ ràng, còn nhiều khó khăn từ các thị trường xuất khẩu (XK).

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giảm áp lực tồn kho của các ngành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 5 tháng cuối năm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh XK, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu và tìm thị trường mới. Đồng thời, tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trên cơ sở đó, bộ cũng sẽ nghiên cứu và nắm bắt thông tin về các xu thế sản xuất, tiêu dùng, thương mại, dịch chuyển đầu tư mới xuất hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại các nước NK cũng như đối thủ cạnh tranh, đề ra các giải pháp khai thác hiệu quả thị trường xuất nhập khẩu.

Ghi nhận động thái này, bà Trương Thị Chí Bình chia sẻ, Hiệp hội DN CNHT Việt Nam luôn đồng hành và hỗ trợ để các DN ngành CBCT Việt Nam có mặt tại chuỗi cung ứng toàn cầu. Nâng cao năng lực kết nối cho các DN công nghiệp CBCT mà DN Việt Nam có lợi thế đang là mối quan tâm hàng đầu. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Việc tổ chức các sự kiện kết nối ngành CBCT kỳ vọng sẽ mang đến nhiều thỏa thuận liên kết giữa các DN tiềm năng đang tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam, cũng như từ các DN nhỏ và vừa.

Phân tích cụ thể, Phó giám đốc Công ty CP ô-tô Trường Hải (THACO) Võ Trung Chính cho biết, không thể thống kê hết những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra cho các DN Việt Nam. Tuy nhiên, việc kết nối DN ngành công nghiệp CBCT sớm sẽ tăng cơ hội hỗ trợ DN mở rộng đối tác, thêm giải pháp phục hồi kinh doanh sau đại dịch.

Huy động và bổ sung thêm nguồn lực

Theo TS Nguyễn Đình Cung, các chính sách hỗ trợ hiện nay về cơ bản đã đầy đủ, nhưng với tình hình dịch bệnh gia tăng trở lại trong nước thì một số chính sách hỗ trợ nên được gia hạn. Chẳng hạn như: chính sách giãn, hoãn, miễn thuế… hoặc thay đổi chính sách cho phù hợp thực tế của người dân, DN. Hiện, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, nguồn lực ngân sách là hữu hạn, nên chúng ta phải tính toán lại, tính toán từ kịch bản tăng trưởng cho đến việc cân đối thu chi ngân sách. Rõ ràng, kịch bản tăng trưởng hiện nay không thể cao, từ đó dự báo thu ngân sách không thể nhiều, nên để thêm dư địa cho sự hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ có thể phải thay đổi chỉ tiêu về thâm hụt ngân sách, bội chi ngân sách, trần nợ công… để huy động thêm nguồn lực trong và ngoài nước.

Cùng quan điểm này, bà Stefanie Stallmeister, quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, dịch Covid-19 đến nay được coi là cú sốc kinh tế lớn nhất trong 35 năm qua. Mặc dù vẫn đứng vững trong nửa đầu năm, nhưng nền kinh tế chỉ tăng trưởng thấp, tương đương mức giảm xấp xỉ 5% so quỹ đạo tăng trưởng trước đó của quốc gia. Do đó, Việt Nam không nên tư duy theo hướng “trạng thái bình thường mới” sẽ quay lại như cũ. Thay vào đó, nên xác định xem “trạng thái bình thường mới” sẽ ra sao, khi đại dịch làm thay đổi cách thức mọi người sinh sống, làm việc và giao tiếp với nhau. Việt Nam sẽ phải vận động trong một thế giới đầy bất định trong thời gian tới. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tìm hướng thay thế cho những động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia, gồm sức cầu ở nước ngoài và tiêu dùng trong nước đang bị yếu đi.

Bà Stefanie Stallmeister cho rằng, có ba biện pháp bổ trợ nhau mà Chính phủ cần sớm thực hiện nhằm tránh “bẫy kinh tế Covid-19” và có thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bao trùm trước đó. Thứ nhất, cần cân nhắc và thận trọng từng bước gỡ bỏ hạn chế đi lại quốc tế, cân đối với những quan ngại về an toàn, do nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào khách du lịch và đầu tư nước ngoài. Thứ hai, đẩy nhanh triển khai chương trình ĐTC hiện hành nhằm tăng cầu trong nước. Thứ ba, cần hỗ trợ có mục tiêu cho khu vực tư nhân, đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất như du lịch, CBCT cho XK, thông qua hỗ trợ tài chính kết hợp các chính sách khuyến khích thông minh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tận dụng một số xu hướng toàn cầu đang được đẩy nhanh bởi Covid-19. Bởi thực tế, Covid-19 cũng đã đem lại cơ hội đặc thù để hướng tới nền kinh tế “không tiếp xúc” thông qua đẩy mạnh thanh toán công nghệ số, giáo dục trực tuyến, khám, chữa bệnh từ xa, chia sẻ dữ liệu số hóa và qua đó giúp đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh về dịch vụ có chất lượng của tầng lớp trung lưu trong nước. Trong nguy luôn có cơ. Khủng hoảng lần này khác với những lần trước đó và nếu quản lý tốt, Việt Nam có thể tiến nhanh tới ước vọng thịnh vượng và trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.

WB dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm 2020 và sẽ phục hồi lại mức 6,7% vào năm 2021. Việt Nam sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.