Hỗ trợ tăng trưởng tín dụng

Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động tín dụng tăng chậm buộc các ngân hàng thương mại (NHTM) phải giảm chi phí huy động để giảm lãi suất đầu ra. Thế nhưng, tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào NH. Thực tế, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, tính đến giữa tháng 7-2020, tăng trưởng tín dụng (TTTD) vẫn chật vật với con số 4%. Giải pháp nào cho mục tiêu TTTD cả năm 2020?

Các tổ chức tín dụng đã thực hiện giảm lãi suất theo định hướng. Ảnh: NAM HẢI
Các tổ chức tín dụng đã thực hiện giảm lãi suất theo định hướng. Ảnh: NAM HẢI

Theo báo cáo tháng 7-2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh, đối với lãi suất huy động (LSHĐ) bằng VND, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện giảm lãi suất theo định hướng và các mức lãi suất điều hành của NHNN. Khối NHTM điều chỉnh giảm các kỳ hạn, phổ biến khoảng 0,08 - 0,58%/năm… LSHĐ bằng VND được NH áp dụng phổ biến ở mức 4,2 - 4,25%/năm đối với kỳ hạn dưới sáu tháng; mức 4,9% - 7,29%/năm đối với kỳ hạn từ sáu đến 12 tháng; mức 6,04% - 7,55%/năm đối với các kỳ hạn hơn 12 tháng. Mặc dù LSHĐ giảm, đồng thời trước áp lực giá vàng tăng mạnh trong thời gian gần đây, song trong tháng 7-2020, tổng huy động vốn của các TCTD trên địa bàn đến ngày 31-7-2020 ước đạt 2.648.000 tỷ đồng, tăng 0,6% so cuối tháng trước, tăng 3,96% so cuối năm 2019 và tăng 11,06% so cùng kỳ. Ước tính bảy tháng đầu năm 2020, huy động vốn tiếp tục tăng 3,96%, tuy nhiên thấp hơn so cùng kỳ năm trước.

Về phía các doanh nghiệp (DN), một nghiên cứu của BIDV vừa công bố cho biết, khối DN trong lĩnh vực nông nghiệp thường không phải là những DN mạnh, những khó khăn của ngành trong sáu tháng đầu năm như dịch Covid-19 cùng hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã khiến số DN ngành này phải tạm ngừng hoạt động tăng 23,9% so cùng kỳ năm 2019. Ðối với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đã phản ánh rõ nét hơn trong quý II, khiến mức tăng trưởng sáu tháng đầu năm chỉ còn đạt 2,98%, thấp hơn mức 5,15% của quý I. Công nghiệp chế biến chế tạo - khu vực tạo động lực chính cho tăng trưởng, cũng chỉ tăng 4,96% (so mức tăng 11,2% của cùng kỳ năm 2019). Theo đó, số DN tạm dừng kinh doanh cũng tăng tới 32,1% so cùng kỳ năm trước.

Một số ngành lĩnh vực có diễn biến xấu đi so kết quả quý I là dệt may, sản xuất đồ gỗ, sản xuất thép, khai thác dầu thô cho thấy những khó khăn trong xuất khẩu, bởi nhiều thị trường lớn như: Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN… hiện vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh, nên hoạt động thương mại gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các ngành sản xuất như thép, khai thác dầu thô còn nhiều khó khăn khi xuất khẩu thu hẹp và nhu cầu nội địa tăng chậm… 

Xây dựng là một trong số ít ngành không chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực khi vẫn đạt mức tăng trưởng 4,5% trong sáu tháng đầu năm, cao hơn mức 4,37% của quý I, một phần là nhờ đầu tư công (ĐTC) tăng mạnh, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so mức tăng trưởng 7,85% của sáu tháng 2019. Ðiều này chứng tỏ mức độ hồi phục của ngành còn chậm. 

Ðối với khu vực dịch vụ, chịu tác động mạnh nhất do tổng cầu (cả trong và ngoài nước) giảm và mất nhiều thời gian hơn để phục hồi. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, mặc dù du lịch nội địa đã và đang phục hồi nhanh, nhất là từ đầu tháng 7 khi kỳ nghỉ hè bắt đầu, nhưng trước tình hình dịch bệnh đang quay trở lại tại Ðà Nẵng khiến diễn biến xấu trở lại khá nhanh. 

Các ngành bán lẻ, kinh doanh bất động sản cũng cho thấy xu hướng xấu đi so quý I. Lĩnh vực tài chính - NH và bảo hiểm duy trì được mức tăng trưởng trong sáu tháng là 6,78% (quý I tăng 7,4%). Tuy nhiên, với số DN ngừng hoạt động, giải thể tại các ngành trong nửa đầu năm không ít, DN trong số còn trụ lại được cũng không thể tiếp cận được tín dụng do không đáp ứng được các điều kiện tín dụng mà các TCTD đưa ra nên cần lưu ý rằng, tác động của đại dịch đối với hoạt động tài chính - NH thường có độ trễ. 

Trước thực tế khó khăn của bảy tháng đầu năm 2020, câu hỏi đặt ra là làm thế nào có thể hướng đến mục tiêu TTTD đã đặt ra cho năm 2020?

Theo khuyến nghị của TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, về giải pháp nhìn trong tổng thể, cần tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN nhỏ và vừa (DNNVV) bằng cách tăng cho vay qua Quỹ phát triển DNNVV, khởi động hoạt động thực chất của các quỹ bảo lãnh vay vốn DNNVV. Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng hỗ trợ, gồm cả một số DN lớn trong lĩnh vực hàng không, du lịch… với tiêu chí và điều kiện hỗ trợ cụ thể. Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân ĐTC như là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2020 và cũng là động lực tăng trưởng dài hạn. Nếu giải ngân hết lượng vốn ĐTC theo kế hoạch là 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (so năm 2019) thì sẽ giúp GDP Việt Nam năm 2020 tăng trưởng thêm 0,38 điểm phần trăm. Ðồng thời, nếu đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa. Thực tế, ước tính, quy mô tiêu dùng cá nhân của Việt Nam tương đương gần 80% GDP và đóng góp 11,87% GDP năm 2019. Theo đó, nếu tiêu dùng cá nhân tăng 1%, thì sẽ giúp GDP năm 2020 tăng trưởng thêm 0,12 điểm phần trăm. 

TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ người dân và DN. Cụ thể, khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc (như trong gói 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0% để DN có thể trả lương cho nhân viên vượt qua giai đoạn khó khăn này). Xem xét sớm quyết định cho phép gia hạn thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, trước mắt là hết năm 2020 để DN đỡ khó khăn về thanh toán chi phí. Thực tế đang đòi hỏi chúng ta thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp sáng tạo và quyết liệt.