Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sau dịch bệnh

Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đang đứng trước không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và cuộc suy thoái toàn cầu. Để bảo đảm mục tiêu phát triển đã đề ra, một trong những lực lượng chủ công giữ vai trò duy trì sản xuất, kinh doanh trong đại dịch và tái cấu trúc để phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19 chính là đội ngũ doanh nhân - những vị “thuyền trưởng” đang đứng mũi chịu sào gần 800.000 doanh nghiệp (DN) và hơn 5 triệu hộ kinh doanh trong cả nước.

Nhiều doanh nghiệp cần sự trợ giúp sau dịch bệnh.
Nhiều doanh nghiệp cần sự trợ giúp sau dịch bệnh.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tình hình doanh nghiệp (DN) rút khỏi thị trường thể hiện xu hướng chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa DN vào tình trạng “ngủ đông” để nghe ngóng, xem xét diễn biến dịch bệnh. Sau đó, mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay “đóng cửa” DN hoàn toàn ở thời điểm này. Điều này thể hiện ở sự gia tăng mạnh về số DN tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và giảm về số DN giải thể, chờ giải thể. Cụ thể, trong bốn tháng đầu năm có 41.755 DN rút lui khỏi thị trường (tăng 5,6% so cùng kỳ năm 2019), bao gồm gần 22.700 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 33,6%), xấp xỉ 14.000 DN chờ giải thể (giảm 19,2%) và khoảng 5.100 DN hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 3,8%)…

Dù tình hình dịch Covid-19 ở nước ta đã có dấu hiệu dần được kiểm soát nhưng vẫn chưa được xử lý hoàn toàn nên phần lớn số DN vẫn đang chần chừ, nghe ngóng thông tin để có thể đưa ra phương án tối ưu nhất. Cụ thể, số DN quay trở lại hoạt động trong bốn tháng đầu năm nay là 17.823 DN, chỉ tăng 2,1% so cùng kỳ năm 2019.

Tại buổi họp báo “Công bố Sách Trắng DN Việt Nam 2020”, Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho hay, Việt Nam có thể chỉ đạt 900.000 DN trong năm 2020, thay vì mục tiêu 1 triệu DN đã đề ra. Số lượng DN chỉ là một khía cạnh trong bức tranh phát triển chung. Một trong các yếu tố quan trọng phải là DN thành lập ở khu vực kinh tế nào, ngành nghề kinh tế nào và đồng thời quy mô DN ra sao. Trong bối cảnh kinh tế 4.0 và sự ảnh hưởng của dịch bệnh, Chính phủ đang có đề án đẩy mạnh kinh tế số, DN thành lập cần phù hợp xu hướng phát triển của thời đại, tập trung vào chất lượng, ứng dụng khoa học - công nghệ sản xuất chứ không phải tập trung vào dịch vụ nhà hàng, khách sạn... Bởi ngành dịch vụ này cũng chỉ có ngưỡng giới hạn, dễ bị tổn thương. Tổng cục Thống kê đã điều tra trực tuyến online với hơn 126.000 DN để phản ánh về đánh giá của DN. Trong đó làm rõ ba vấn đề: Đánh giá thực trạng tình hình DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; DN cần hỗ trợ gì; hiệu quả tác động Chỉ thị 11 ban hành trong thời điểm dịch. Đây là tiền đề để Chính phủ đưa ra những chính sách hỗ trợ thiết thực nhất tới DN trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, qua thời gian dịch bệnh, nhiều DN đang cho thấy bản lĩnh vượt khó, kịp thời xoay xở, tìm thấy cơ hội dù ở trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Điều này không chỉ giúp DN tiến xa mà còn thể hiện tinh thần kiên cường của người Việt Nam trong mọi thời kỳ.

Bà Bùi Kim Thùy, thành viên Hội đồng cố vấn Harvard nhận định, các DN khác nhau sẽ có phản ứng khác nhau nhưng tựu trung DN Việt Nam phản ứng linh hoạt với Covid-19. Các DN lớn phản ứng ngay lập tức, chuyển hướng hoạt động kinh doanh, mô hình kinh doanh... Thí dụ, Vingroup chuyển sang sản xuất máy thở. Các DN nhỏ và vừa, qua giai đoạn choáng váng ban đầu đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để có thể kinh doanh, chung sống với Covid-19.

Điều này cho thấy rõ “bản lĩnh” của DN Việt Nam. Nói như cách của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Những ngày này, đất nước ta đang giữa hai cuộc chiến: Cuộc chiến y tế với mục tiêu đẩy lùi dịch Covid-19 bảo vệ sức khỏe của nhân dân và cuộc chiến kinh tế với mục tiêu duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Nếu như đội quân áo trắng - những thầy thuốc của nhân dân - là những chiến sĩ trên tuyến đầu trong cuộc chiến y tế, thì đội ngũ DN, doanh nhân là những chiến sĩ trên tuyến đầu trong cuộc chiến kinh tế.

Khảo sát của VCCI cho thấy, hầu hết DN đã tích cực và chủ động triển khai các biện pháp chống dịch tại nơi làm việc theo khuyến cáo của Bộ Y tế và chính quyền các địa phương, đồng thời cố gắng nỗ lực cao nhất để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Nhiệm vụ kép” đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng DN. Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cho rằng, DN Việt Nam, chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, 5 triệu hộ kinh doanh, xét về bản chất kinh tế cũng chính là các DN nhỏ và siêu nhỏ của nền kinh tế, bởi vậy nhiệm vụ của Nhà nước là làm sao nâng cao năng lực của DN, đặc biệt là các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để họ có thể trụ vững trong thời kỳ Covid-19 và vươn lên trong thời kỳ hậu Covid. Đây đang trở thành nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị và việc đẩy mạnh cải cách đồng bộ về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực làm bệ đỡ cho DN lớn lên sẽ là yêu cầu quan trọng nhất, mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng DN ở tương lai.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó dịch Covid-19. Tại hội nghị, các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương sẽ chủ động xử lý các vướng mắc, khó khăn của DN theo thẩm quyền nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ các DN phục hồi sau dịch Covid-19. Dự kiến, Hội nghị sẽ bắt đầu từ 8 giờ sáng 9-5-2020 theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội, các bộ, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV.