Hiệu ứng tích cực

Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành các quyết định từ ngày 13-5 điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành (LSĐH), trong đó có lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng (NH) nước ngoài, các NH đã điều chỉnh giảm ngay lãi suất tiền gửi. Quyết định này không chỉ được đánh giá tích cực về thời điểm, mà mức giảm lãi suất thêm 0,5%/năm cũng được đánh giá là phù hợp.

Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm ngay lãi suất tiền gửi. Ảnh: HẢI NAM
Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm ngay lãi suất tiền gửi. Ảnh: HẢI NAM

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, động thái giảm LSĐH của NHNN hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế cũng như thực hiện nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc giảm LSĐH của NHNN sẽ tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất tới các TCTD, qua đó hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN. Đồng thời, cho thấy khả năng kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM) trong ngắn hạn và trung hạn là khá tốt.

Cùng quan điểm này, TS Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, cách thức hỗ trợ thị trường, nền kinh tế của NHNN ngày càng kịp thời, sát với diễn biến của thị trường. Theo đó, sau khi đưa ra các giải pháp quan trọng hỗ trợ như hoãn, giãn, cơ cấu lại nợ cùng với đưa ra các gói tín dụng quy mô lớn... giúp DN giảm bớt gánh nặng nợ nần, cầm cự trong giai đoạn khó khăn, thì đến thời điểm này, khi các cơ hội sản xuất, kinh doanh dần mở ra, NHNN tiếp tục giảm LSĐH tạo mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với DN, nền kinh tế trong tiến trình dần hồi phục và có thể tạo sức bật cho nền kinh tế thời gian tới.

Ngay sau quyết định điều chỉnh giảm các loại LSĐH của NHNN, các NH đã điều chỉnh giảm ngay lãi suất tiền gửi. Cụ thể, khách hàng gửi tiền kỳ hạn 3 - 5 tháng tại quầy của VPBank với số tiền dưới 300 triệu đồng sẽ được hưởng lãi suất 3,95%/năm, giảm 0,5%/năm so trước đó. Mức lãi suất cao nhất khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 - 5 tháng ở VPBank là 4,2%/năm, khi gửi tiền từ 3 tỷ đồng trở lên. Lãi suất từ sáu tháng trở lên tại VPBank gần như không có sự thay đổi.

Tại Vietcombank, BIDV và VietinBank, lãi suất không kỳ hạn đều ở mức 0,1%/năm, thấp hơn so mức trần quy định và cũng thấp nhất trong hệ thống. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 3 tháng của Vietcombank cũng thấp hơn so trần quy định, hiện là 4,1 - 4,25%/năm. Tại VietinBank và BIDV, lãi suất kỳ hạn từ một tháng đến dưới hai tháng là 4%/năm, lãi suất kỳ hạn từ ba đến dưới sáu tháng là 4,25%/năm.

Tại OCB, không chỉ lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng giảm xuống tối đa 4,25%/năm mà một số kỳ hạn khác cũng thay đổi. Trong đó, lãi suất kỳ hạn sáu tháng giảm từ 7%/năm xuống 6,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 24 tháng trở lên giảm từ 7,5 - 7,6%/năm xuống còn 7,3 - 7,4%/năm…

Không chỉ đánh giá tích cực về thời điểm, mức giảm lãi suất thêm 0,5%/năm cũng được đánh giá là phù hợp. TS Võ Trí Thành nhận định, lạm phát bình quân vẫn còn cao. Cùng với diễn biến kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó lường, nên mức giảm 0,5%/năm là vừa phải bám vào nguyên tắc hỗ trợ thiết thực nhưng bảo đảm không ảnh hưởng đến ổn định KTVM. Mức giảm các loại LSĐH của NHNN cũng cho thấy Chính phủ, NHNN vẫn muốn để dành dư địa cho việc nới lỏng hơn chính sách tiền tệ (CSTT) nếu thấy cần thiết trong thời gian tới.

Để giúp cho DN có mặt bằng lãi suất cho vay tốt hơn, cũng có ý kiến đề xuất áp trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài. Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá, đề xuất này là không phù hợp bởi trần lãi suất huy động (LSHĐ) dài hạn phải theo nguyên tắc thị trường. Theo quan điểm của TS Võ Trí Thành, thứ nhất, hệ thống NH đang hướng đến các giải pháp mang tính thị trường, hạn chế biện pháp hành chính. Thứ hai, việc các NH cần huy động vốn dài hạn để cơ cấu kỳ hạn, chưa nói đến nguồn vốn NH còn phụ thuộc nhiều vào tiền gửi.

Nhận định về việc NHNN hạ trần LSHĐ ngắn hạn và giảm hàng loạt LSĐH lần thứ hai trong vòng hai tháng qua, các NH cho rằng, động thái giảm lãi suất của NHNN là rất tích cực và kịp thời, bởi Chính phủ và hệ thống NH đang trong quá trình tiết giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí phí tài chính cho khách hàng. Song cũng có một số ý kiến quan ngại về việc LSHĐ giảm sẽ khiến cho dòng tiền chạy khỏi kênh tiết kiệm NH và chuyển hướng sang kênh hấp dẫn hơn. Trên thực tế, dòng tiền trong nền kinh tế luôn tìm đến các kênh đầu tư có khả năng sinh lời tốt nhất, nên lãi suất gửi tiết kiệm giảm chắc chắn sẽ làm giảm mức độ hấp dẫn của kênh đầu tư này và khiến một phần dòng tiền chuyển sang kênh đầu tư khác.

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, các kênh đầu tư truyền thống như vàng, bất động sản và ngoại tệ đều đang hàm chứa nhiều rủi ro nên khó thu hút vốn đầu tư. Trong khi đó, thị trường chứng khoán có sự hồi phục mạnh mẽ trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5, thuộc một trong những thị trường hồi phục mạnh nhất thế giới. Vì vậy, Tổng Giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, LSHĐ giảm sẽ khiến cho dòng tiền chạy khỏi kênh tiết kiệm NH và chuyển hướng sang kênh hấp dẫn hơn sẽ không xảy ra, bởi trong cân đối vĩ mô, ba, bốn năm qua, lạm phát của Việt Nam tương đối ổn định, dao động chung quanh mức 4%. Với mức lạm phát này, lãi suất bình quân rơi vào khoảng 4% - 5%/năm vẫn bảo đảm nguyên tắc lãi suất thực dương. Nếu có thì sẽ là dịch chuyển từ tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn qua kỳ hạn dài hơn hoặc điều chỉnh từ NH này sang NH khác, bởi các NH hiện cạnh tranh huy động rất gay gắt. Nhưng nếu nhìn về tổng thể toàn ngành NH sẽ không thấy khả năng tiền rút ra khỏi hệ thống. Thực tế, việc giảm LSĐH được tính toán trên cơ sở diễn biến thị trường quốc tế và nền tảng KTVM trong nước tiếp tục tạo dư địa điều hành CSTT cho NHNN trong bối cảnh thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, lạm phát có khả năng được kiểm soát theo mục tiêu, tăng trưởng kinh tế bị tác động bởi dịch Covid-19.