Hành trình số hóa nền kinh tế

Kỳ 3: Nóng bỏng cuộc đua chuyển đổi số

Nhờ sớm thực hiện chuyển đổi số FE CREDIT duy trì vị thế dẫn đầu thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: CTV
Nhờ sớm thực hiện chuyển đổi số FE CREDIT duy trì vị thế dẫn đầu thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: CTV

Tốc độ phát triển nhanh của kinh tế số (KTS), sự mở rộng của không gian mạng được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam bật tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, điều này cũng đặt Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển. Khi mà, hệ thống thể chế, chính sách và hiệu lực của cơ quan thực thi liên quan phát triển KTS còn chưa đồng bộ, hiệu quả nên chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển KTS.

Hướng tới một nền kinh tế không tiền mặt

Việt Nam là quốc gia đang phát triển ở Đông - Nam Á và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất hiện nay. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã lên kế hoạch số hóa nền kinh tế, giảm các giao dịch tiền mặt để hướng tới một nền kinh tế không tiền mặt. Nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh của các hộ gia đình đã mở ra cơ hội trị giá một triệu tỷ đồng cho thị trường tài chính tiêu dùng (TCTD) và thu hút nhiều đơn vị gia nhập thị trường này và các thị trường lân cận đã bắt đầu chuyển mình và phân khúc vào mảng TCTD.

Với hơn 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp giải pháp CĐS và công nghệ tài chính thông minh, việc hợp tác của Kuliza với FE CREDIT là một trong những dự án được giới chuyên gia đánh giá là thành công nhất trong việc áp dụng công nghệ mới vào lĩnh vực TCTD. Nhờ đó, FE CREDIT đang duy trì vị thế trên thị trường Việt Nam với hơn 50% thị phần vay tiêu dùng. 

Theo Phó Tổng Giám đốc FE CREDIT Nguyễn Thành Phúc, FE CREDIT đã chủ động hợp tác với các công ty công nghệ như GoBear, để xây dựng thành công một công cụ tìm kiếm giải pháp tài chính hiện đại. Với một “nhân viên ảo” trực tổng đài thông minh và hai kịch bản phục vụ hai nhu cầu của hàng trăm nghìn khách hàng một cách tự động, hệ thống tổng đài thông minh đang giúp FE CREDIT tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng.

Sự phát triển của công nghệ thông tin đang thúc đẩy các DN chuyển đổi mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Ngành tài chính - NH cũng không nằm ngoài xu thế này và coi đây là một trong những hướng đi trọng tâm để phát triển. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN Nguyễn Ngọc Cảnh, CĐS là phương thức để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh doanh của mỗi DN nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Trong công cuộc CĐS quốc gia, đi nhanh, đi trước sẽ chiếm ưu thế, nếu đi chậm, đi sau thì sẽ giảm năng lực cạnh tranh và mất thị trường. Vì vậy, thời gian qua, nhiều NH đã sớm chú trọng CĐS và coi đây là trọng tâm phát triển. Cuộc đua CĐS giữa các NH cũng vì thế sôi động hơn bao giờ hết.

Cùng quan điểm này, Tổng Giám đốc Viet Capital Bank Ngô Quang Trung cho biết, CĐS là xu thế tất yếu của hiện tại và tương lai đối với các NH. Trong kế hoạch phát triển sắp tới, Viet Capital Bank định hướng sẽ là đơn vị cung cấp nền tảng và dịch vụ NH cho các đối tác hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), nhằm tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng, dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ số và NH truyền thống.

SeABank cũng tích cực triển khai CĐS trong nhiều năm. NH đã cho ra mắt SeAMobile - ứng dụng NH điện tử dành cho khách hàng cá nhân với nhiều tính năng ưu việt như chuyển tiền không cần nhớ số tài khoản, chăm sóc sức khỏe tài chính… Ngoài ra, SeABank cũng thực hiện kết nối thành công với ví điện tử VNPT Pay, kết nối thanh toán qua Samsung Pay…

Trước đó, ngay từ đầu năm 2017, TPBank đã cho ra mắt ứng dụng TPBank LiveBank và dần trở thành một trong những NH đi đầu trong lĩnh vực NH số với nhiều sản phẩm hiện đại. Đầu năm 2018, OCB ra mắt ứng dụng OCB Omni, Nam Á Bank tung ra thị trường robot OPBA và gần nhất là áp dụng phương thức xác thực thông tin khách hàng trực tuyến (eKYC)... 

Theo Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, chỉ sau hai tháng triển khai, TPBank đã ghi nhận gần 50.000 khách hàng mở tài khoản thành công qua eKYC. Đây là kết quả ấn tượng và cũng là minh chứng rõ nét về tiện ích mà NH đang mang lại cho khách hàng. Là một NH non trẻ thành lập năm 2008, vì không có sức cạnh tranh với các NH lớn, lâu đời nên TPBank đã định hướng CĐS, trở thành NH công nghệ, NH số. Nhờ vậy mà, TPBank từ vị trí đứng thứ 42 trong số các NHTM Việt Nam đã vươn lên là một trong 10 NH vững mạnh nhất về chất lượng, với tổng tài sản hơn 200.000 tỷ đồng, bình quân tăng trưởng 30 - 40% mỗi năm, nhưng số nhân sự chỉ tăng 4 - 5%, vì các lao động giản đơn được thay thế bằng công nghệ. 

Đại diện Vụ Thanh toán (NHNN) nhận định, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của NH số nhờ quy mô dân số lớn với 96 triệu người, cơ cấu dân số vàng với khoảng 56 triệu người tham gia thị trường lao động và tỷ lệ người dân sở hữu điện thoại thông minh hơn 72%, 62 triệu thuê bao kết nối internet... Thời gian qua, NHNN đã có nhiều chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hiện nay, phần lớn các NHTM của Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ CĐS và xây dựng mô hình NH số. 

Thách thức trong quá trình CĐS

Mặc dù, quá trình CĐS của các NH đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn phải đối mặt nhiều thách thức. Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc CĐS PwC Việt Nam Võ Tấn Long cho rằng, một trong những trăn trở lớn nhất là thiếu hụt về đội ngũ trong các NH để thực thi việc chuyển đổi với những kỹ năng, quy trình và văn hóa hợp tác phù hợp, theo kịp được các nhu cầu kinh doanh; thay đổi tư duy về khách hàng và trải nghiệm của khách hàng; thay đổi và chuyển hướng các sản phẩm và dịch vụ… Định hướng và vượt qua các thách thức này là yếu tố quyết định thành công của quá trình CĐS. 

Phó Tổng Giám đốc Ernst & Young Việt Nam Nguyễn Thùy Dương cho biết, việc thực hiện CĐS gặp khó khăn do các NH chưa xác định rõ tầm nhìn về mối liên hệ giữa CĐS với chiến lược kinh doanh của NH. Hiện, khoảng trống trong hành lang pháp lý đối với phát triển NHS còn chậm ban hành, khung pháp lý thường đi sau so sự phát triển công nghệ… do đó chưa đáp ứng được yêu cầu tạo thuận lợi để hệ thống NH thích ứng bối cảnh CĐS, dẫn đến các NH dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới; phương thức làm việc theo lối cũ… Cùng với đó, chiến lược đầu tư hạ tầng công nghệ nền tảng tài chính chậm và chưa đồng bộ. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong phát triển NHS còn hạn chế.

Cùng quan điểm này, khi nhận định về CĐS tại Việt Nam, ông Phạm Xuân Hùng, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ không chỉ là vấn đề CĐS mà còn là sự thay đổi hệ thống thể chế, chính sách. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia phải khẩn trương xây dựng thật tốt có chất lượng thì mới có thể làm cho NH phát triển, KTS phát triển được. 

Trong bối cảnh hiện nay, sự thay đổi trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt liên quan xu hướng CĐS đang thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội rất nhanh chóng. Năm 2020 được coi là năm “bão táp” với toàn thế giới. Đại dịch Covid-19 đã tác động và để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với hầu hết các nền kinh tế. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, thu hẹp cả tổng cung và tổng cầu, gia tăng rủi ro tài chính đưa nền kinh tế thế giới vào vòng suy giảm nghiêm trọng. 

Trước bối cảnh đó, theo Phó Tổng Giám đốc Viettel Post Nguyễn Hoàng Long, điều quan trọng nhất của quá trình CĐS chính là vấn đề con người. Xu hướng cạnh tranh hiện nay không chỉ diễn ra ở cấp độ DN, mà còn là giữa các ngành, bởi vì sản phẩm hiện nay phụ thuộc vào chuỗi giá trị chứ không chỉ phụ thuộc vào một khâu cụ thể nào. Ở cấp độ vĩ mô, Chính phủ và các hiệp hội lớn nên có những chính sách ưu tiên cho những ngành công nghiệp có tính chất đột phá và lan tỏa ra các ngành khác trong khu vực và quốc tế.

Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam Phạm Thế Trường đưa ra nhận định, mặt trái lớn nhất của CĐS, số hóa đó là DN phải phụ thuộc, thậm chí lệ thuộc công nghệ mà không làm chủ nó. Đặc biệt, CĐS sẽ đặt ra thách thức về bảo đảm an toàn thông tin. Khi DN số hóa và CĐS thì nguy cơ bị tiến công, mất mát thông tin DN sẽ cao hơn... Ngoài ra, nhận thức của các DN hiện nay chủ yếu vẫn theo phong trào. Hơn thế, CĐS vẫn còn diễn ra manh mún, chưa có kiến trúc tổng thể cho một hệ thống. Những mặt trái này là rất đáng lo ngại trong CĐS. Cần nhận thức rõ, CĐS không phải là… trò đùa! 

Còn theo Tổng Giám đốc Công ty IOTLink Đỗ Quang Vinh, hiện nay vẫn có DN Việt Nam ngần ngại trong CĐS, chưa hiểu hết những giá trị mà CĐS mang lại. CĐS là khái niệm rất rộng, nên buộc phải đi từng bước, từng phần. DN nếu không thay đổi nhận thức sớm về CĐS thì chắc chắn sẽ chậm so DN khác và chậm so sự thay đổi của thế giới, gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh, hội nhập. Cũng chính vì chưa có một định hướng, một tầm nhìn đúng về CĐS, nên DN Việt Nam đang gặp một thực trạng chung là ngại CĐS, vì họ sợ không thành công, sợ thất bại. 

(Còn nữa)